Giới thiệu chung

Vận tải biển đóng góp 90% lượng hàng hóa thương mại quốc tế. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lớn nhất cả nước với lịch sử gần 70 năm xây dựng và phát triển.

Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Kinh tế-Xã hội vùng đồng bằng Sông Hồng ghi rõ "... xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trường trọng điểm quốc gia, nghiên cứu, đào tạo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển ...". 

Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng ghi rõ "... Đầu tư, xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trường trọng điểm quốc gia, nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nhân lực đạt trình độ ngang bằng các nước phát triển trong khu vực để phục vụ phát triển kinh tế biển ..."

Với lịch sử gần 70 năm xây dựng và phát triển, Khoa Máy tàu biển đã đào tạo hàng chục nghìn cán bộ, sỹ quan máy tàu biển. Từ đây, hàng chục nghìn máy trưởng đã trưởng thành, đã và đang khai thác những con tàu trọng tải hàng trăm nghìn tấn đi khắp các đại dương, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng hải quốc tế. Hàng nghìn cán bộ tốt nghiệp từ Khoa Máy tàu biển đã và đang giữ những vị trí trọng trách trong các tập đoàn, tổng công ty, công ty trong lĩnh vực vận tảu biển, hóa chất, dầu khí và nhiều khu vực khác.

Trường Sơ cấp Hàng hải (1956-1958)

Sau năm 1954, Miền Bắc nước ta đã được hoàn toàn giải phóng, song đất nước vẫn còn bị chia cắt làm hai miền, Miền Nam vẫn còn trong ách chiếm đóng của thực dân Pháp. Khi rút khỏi Miền Bắc, thực dân Pháp mang theo toàn bộ tàu thuyền và ép buộc các công nhân kỹ thuật đi theo. Để có đội ngũ cán bộ hàng hải kịp thời phục vụ công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở Miền Nam, cuối năm 1955 tại Nhà máy nước đá nằm trên đường Cù Chính Lan, Hải Phòng đã ra đời lớp Sơ cấp Lái tàu.

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 01 tháng 4 năm 1956 Trường Sơ cấp Lái tàu đã được thành lập, đây chính là tổ chức tiền thân của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam ngày nay. Cùng với sự ra đời của Trường Sơ cấp Lái tàu, ngày 01 tháng 7 năm 1956, tại địa chỉ số 5 Bến Bính, Hải Phòng, Trường Sơ cấp Máy tàu được thành lập – tiền thân của Khoa Máy tàu biển, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam ngày nay.

                 

    Nhà máy nước đá, đường Cù Chính Lan), Bến Bính, Hải Phòng                               Nhà số 5 Bến Bính, Hải Phòng                           

Đầu năm 1957, hai trường Sơ cấp Lái tàu và Sơ cấp Máy tàu được hợp nhất thành Trường Sơ cấp Hàng hải, trực thuộc Cảng Hải Phòng, trụ sở tại số 5 Bến Bính Hải Phòng. Đồng chí Nguyễn Văn Tiên được bổ nhiệm quyền Hiệu trưởng. Cùng năm 1957, Nhà trường đã tổ chức đào tạo thí điểm các lớp trung cấp gồm hai ngành Lái và Máy tàu thủy hệ 7 + 2. Học viên các lớp sơ cấp và trung cấp thí điểm này sau khi tốt nghiệp đã nhanh chóng đảm nhận các chức danh sỹ quan trên tàu và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trường Trung cấp Hàng hải (1959-1962)

Đầu năm 1959, Trường Sơ cấp Hàng hải được nâng lên thành trường Trung cấp Hàng hải trực thuộc Tổng cục Giao thông thủy bộ trụ sở tại số 5 Bến Bính Hải Phòng. Đồng chí Lê Văn Cường được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, đồng thời giữ chức Bí thư Đảng ủy; đ/c Nguyễn Văn Tiên làm phó Hiệu trưởng (các đồng chí Đặng Văn Qua, Đào Văn Quang sau đó thay đồng chí Lê Văn Cường làm Hiệu trưởng). Tháng 9/1959 Trường chuyển địa điểm về số 8 Trần Phú Hải Phòng, thành lập bộ phận Điện tàu thủy và tạm thời nằm trong Ban Máy tàu thủy do đồng chí Lê Xuân Khảm phụ trách.

Trường Hàng hải Việt Nam (1962-1975)

Tháng 8 năm 1963, Khoa Máy mở lớp Bổ túc viễn dương và tuyển sinh hệ trung cấp 10 + 3 và 7 + 4. Thời điểm này, Khoa Máy đào tạo hai ngành Máy sử dụng và Máy sửa chữa. Học viên sau khi tốt nghiệp, một số được giữ lại Khoa làm công tác giảng dạy, số còn lại được tổ chức phân công về công tác tại các đơn vị vận tải thủy và hải quân.

Năm 1964, giặc Mỹ nắm bom miền Bắc, khi ấy các thầy giáo và học viên của Khoa đều tình nguyện “Ba sẵn sàng” tòng quân giết giặc, trong đó có hai thầy giáo và nhiều học viên của Khoa đã lên đường nhập ngũ.
Tháng 9 năm 1964, Trường được lệnh của Bộ Giao thông vận tải phải sơ tán về vùng nông thôn. Thời điểm đó, Khoa Máy đã sơ tán đến nhiều địa điểm khác nhau: tại Thôn Đại Công (Tiên Cường – Tiên Lãng – Hải Phòng) vào tháng 9 năm 1965; ở Xã Hồng Phúc (Ninh Giang – Hải Dương) tháng 11 năm 1965 và đến tháng 2 năm 1966 Khoa lại sơ tán về Xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Côi – Thái Bình). Tại nơi sơ tán Khoa đã tự tổ chức đời sống cho giáo viên và học viên, xây dựng trường lớp và tổ chức giảng dạy, học tập trong điều kiện khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở địa phương nào các thầy giáo và học viên của Khoa cũng luôn nhận được sự ủng hộ về tình cảm cũng như sự giúp đỡ về vật chất của chính quyền và nhân dân địa phương.
Tháng 7 năm 1965 Khoa đã tổ chức đào tạo các lớp Sơ cấp máy Hàng giang. Các học viên sau khi tốt nghiệp đã làm việc trên các tàu lai dắt phà, tàu sông góp phần đảm bảo giao thông thông suốt cả đường sông và đường bộ trong những năm giặc Mỹ điên cuồng đánh phá ác liệt các tuyến giao thông của Miền Bắc. Điển hình trong số đó là sáu nữ thuyền viên quả cảm của tàu “Ba đảm đang” phục vụ tại bến phà Chèm trên Sông Hồng. Đến tháng 11 năm 1966, số lượng học viên của Khoa Máy đã lên tới 460 người, chủ yếu là thanh niên xung phong và các chiến sỹ trên mặt trận đảm bảo giao thông.
Tháng 7 năm 1967, Khoa Máy lại sơ tán đến Xã Kiến Quốc (Ninh Giang – Hải Dương). Với sự phát triển và lớn mạnh của mình, đầu năm 1968 Khoa Máy được tách thành hai khoa: Khoa Máy sử dụng chuyển địa điểm về Xã An Khê (Phụ Dực – Thái Bình), còn Khoa Máy sửa chữa vẫn ở lại Xã Kiến Quốc.
Giai đoạn này, Trường mở thêm lớp Sơ cấp Thương vụ, Sơ cấp Hàng giang học 18 tháng, mở thí điểm lớp Đại học Tại chức các ngành Hàng hải như: Lái tàu, Máy tàu, Điện tàu thủy (gọi là lớp Đại học Chống Mỹ). Đến năm 1966, chính thức thành lập Khoa Đại học Hàng hải tại Huyện Quỳnh Phụ, Tỉnh Thái Bình, các  đồng chí Nguyễn Minh Thuyết phụ trách ngành Lái tàu; đồng chí Nguyễn Diên Niên phụ trách ngành Máy tàu thủy;  đồng chí Phan Xuân Ngọc phụ trách ngành Điện tàu thủy. Năm 1968, Nhà trường mở thêm lớp đào tạo giáo viên ngành Hàn tàu.

Năm 1970, hợp nhất các tổ Vỏ tàu, Hàn tàu, Sửa chữa máy thành Ban Cơ khí thủy. Từ 1971-1975 Trường chuyển về 338 Lạch Tray (Cầu Rào) chuẩn bị cho bước phát triển mới. Thời kỳ 1974-1975 đồng chí Đỗ Viết Sử được giao quyền Hiệu trưởng;  đồng chí Hoàng Văn Nhuận làm Bí thư Đảng ủy thời kỳ 1975-1976.

Phân hiệu Đại học giao thông đường thủy (1971-1984)

Năm 1971, giặc Mỹ thất bại trên chiến trường Miền Nam và buộc phải ngừng ném bom ở Miền Bắc, Nhà trường lại trở về địa điểm cũ tại Cầu Rào (Hải Phòng) và bắt tay xây dựng lại cơ sở vật chất nhà trường. Thời gian này, ngoài nhiệm vụ đào tạo học viên hệ trung cấp chính quy, Khoa Máy còn đào tạo bốn lớp công nhân cơ giới nhằm cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho việc xây dựng và mở rộng Đường mòn Hồ Chí Minh.

Tháng 4 năm 1972, giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt Miền Bắc, Khoa Máy sử dụng một lần nữa lại sơ tán về Thôn Đại Công (Tiên Cường – Tiên Lãng). Đến tháng 7 năm 1972, hai khoa Máy sử dụng và Máy sửa chữa lại sáp nhập vào thành Khoa Máy.
Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Trường lại chuyển về Cầu Rào, cả thầy và trò cùng các đơn vị trong Trường lại ra sức sửa sang, xây dựng cơ sở vật chất nhà trường. Vào thời điểm này, ngành Máy sửa chữa của Khoa Máy lại tách ra để sáp nhập vào Phân hiệu Đại học Giao thông đường thủy.
Tháng 9 năm 1973, Bộ Giao thông vận tải quyết định tách Khoa Hàng hải (gồm ba ngành Lái, Máy và Điện) từ Phân hiệu Đại học Giao thông đường thủy sáp nhập vào Trường Hàng hải. Từ đây, Khoa Máy vừa đào tạo hệ trung cấp vừa đào tạo bậc đại học. Năm 1974, Khoa Máy được giao nhiệm vụ tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ để thi chức danh Máy trưởng tàu biển hạng II, III và IV.

Khoa Máy tàu - Trường Đại học Hàng hải (1976-2000)

Ngày 27 tháng 10 năm 1976, Thủ Tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 426/QĐ-TTg nâng cấp Trường Hàng hải thành Trường Đại học Hàng hải trực thuộc Bộ Giao thông vận tải. Đồng chí Trần Thiện Vụ trưởng Vụ Giáo dục Bộ GTVT kiêm Hiệu trưởng Nhà trường, đồng chí Trần Ngọc Ân làm Bí thư Đảng ủy. Trường thành lập khoa Tại chức- bổ túc, mở lớp bồi dưỡng sĩ quan cấp trưởng, mở thêm ngành Điện tàu thủy. Tháng 01 năm 1977 Bộ GTVT bổ nhiệm đồng chí Trần Hữu Nghị Trưởng khoa Máy tàu; đồng chí Nguyễn Hữu Lý- Trưởng khoa Lái tàu, đồng chí Phan Xuân Ngọc Trưởng khoa Điện. Tháng 4/1979 đồng chí Lê Đức Toàn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.

Tháng 3/1984 Bộ GTVT Quyết định số 419QĐ/TCCB nhập trường ĐHGTĐT vào Trường Đại học Hàng hải. Trường Đại học Hàng hải giữ nguyên phiên hiệu, dấu và tài khoản; đồng chí Lê Đức Toàn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Tháng 8/1989 Bộ GTVT chuẩn y mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo các ngành học của Trường gồm: 10 ngành Đại học 5 năm, 01 ngành Đại học 4 năm và 2 ngành Trung học đào tạo 3 năm. Tháng 9/1992, Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho mở đào tạo Cao học các ngành Bảo đảm an toàn Hàng hải, Thiết bị năng lượng tàu thuyền, Điện tàu thủy, Đóng tàu, Xây dựng công trình thủy, Kinh tế vận tải thuỷ…Tháng 4 năm 1997 PGS-TS Trần Đắc Sửu được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng thay đồng chí Lê Đức Toàn.

Sau khi đất nước thống nhất, ngành vận tải biển Việt Nam được quan tâm phát triển mạnh mẽ với việc thành lập nhiều công ty vận tải biển, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khai thác, quản lý đội tàu biển cũng tăng lên. Khoa Máy tàu biển trong giai đoạn này chỉ đào tạo ngành Máy sử dụng, với quy mô đào tạo từ 2-3 lớp hàng năm (50-80 sinh viên). Nhờ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sau chiên tranh, nhiều thầy giáo của Khoa được đi thực tế trên đội tàu quốc tế và được cấp bằng sỹ quan, máy trưởng. Nhờ đó chất lượng đào tạo được nâng lên.

Khi Thầy Trần Hữu Nghị được bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng, Thầy Nguyễn Văn Canh thay thế làm Trưởng khoa, sau đó là Thầy Lương Công Nhớ (từ năm 1995), thầy Nguyễn Đại An (từ 2000).

Khoa Máy tàu biển - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

Thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, từ năm 1986 ngoài hệ đại học chính quy, Khoa còn đạo tạo hệ chính quy mở rộng; hệ đại học ngắn hạn (nay là hệ cao đẳng); hệ vừa làm vừa học. Từ năm 2011, được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Khoa tổ chức đào tạo hệ liên thông chuyên ngành Khai thác máy tàu biển từ cao đẳng chính quy, cao đẳng nghề lên đại học.

Đào tạo ngành Kỹ thuật môi trường

Năm 2002, Khoa mở thêm chuyên ngành Kỹ thuật môi trường hệ đại học nhằm cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực tư vấn và bảo vệ môi trường thủy, các khu công nghiệp và dân cư. 

Theo Quyết định số 1056/QĐ-TTg, ngày 03/7/2013 của Thủ tướng chính phủ, Trường chính thức được đổi tên thành Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và được đưa vào một trong 17 trường đại học trong cả nước được đầu tư xây dựng trường trọng điểm quốc gia.
Đến tháng 5 năm 2015, sau hơn mười năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kỹ thuật môi trường chính thức tách khỏi Khoa Máy tàu biển và sáp nhập với bộ môn Hóa để thành lập Viện Môi trường. Cũng trong thời gian này, ngành Máy tàu thủy thuộc Khoa Cơ khí (tiền thân là Khoa Máy sửa chữa) đã tách ra để nhập về Khoa Máy tàu biển. Như vậy sau hơn 40 năm, Khoa Máy tàu biển lại có hai chuyên ngành đào tạo hệ đại học là Khai thác máy tàu biển và Máy tàu thủy.

Đạo tạo ngành Máy và  Tự động công nghiệp

Nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sản xuất công nghiệp, từ năm 2016, Khoa mở thêm ngành mới (Máy và Tự động công nghiệp) hệ đại học.
Song song với công tác đào tạo đại học, từ nhiều năm nay Khoa Máy tàu biển còn tổ chức đào tạo sau đại học nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc hiện đại hóa đất nước. Từ năm 1992, Khoa tổ chức đào tạo chuyên ngành thạc sỹ “Thiết bị năng lượng” và đến năm 2004 đổi tên thành chuyên ngành “Khai thác, bảo trì tàu thủy”. Hiện nay, ngoài đào tạo trình độ thạc sỹ, Khoa còn đào tạo một chuyên ngành tiến sỹ “Khai thác, bảo trì tàu thủy” thuộc ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực; tham gia đào tạo trình độ thạc sỹ và tiến sỹ chuyên ngành “Máy và thiết bị tàu thủy”.
Bên cạnh đó, Khoa còn tham gia đào tạo các lớp Máy trưởng, Sỹ quan quản lý máy tàu biển, Sỹ quan vận hành máy tàu biển, các lớp huấn luyện Nghiệp vụ tàu dầu, Nghiệp vụ tàu chở hóa chất, Tổ chức và quản lý buồng máy và các khóa huấn luyện ngắn hạn khác cho sỹ quan, thuyền viên.
Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển từ Trường Sơ cấp Máy tàu, đến nay là Khoa Máy tàu biển thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Khoa đã đào tạo hàng vạn cán bộ kỹ thuật, các nhà khoa học có trình độ từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, sỹ quan quản lý, sỹ quan vận hành, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược tiến ra biển lớn của Đảng, vì sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc vùng biển và hải đảo của tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường và của Đảng ủy Khoa Máy tàu biển, tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên các thế hệ đã nối tiếp nhau đoàn kết, phấn đấu vươn lên trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, lao động sản xuất và các hoạt động phong trào để xây dựng nên Khoa Máy tàu biển ngày càng lớn mạnh.
Với bề dày lịch sử và truyền thống gần 70 năm của mình, Khoa Máy tàu biển nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách, quyết tâm phấn đấu vươn lên cùng các đơn vị trong Nhà trường xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trở thành trường trọng điểm quốc gia, xứng tầm khu vực và quốc tế, trở thành điểm đến tin cậy của người học.