Cơ sở vật chất

Để đáp ứng yêu cầu về công tác huấn luyện và đào tạo, Khoa Máy tàu biển đã được trang bị khu hành chính, giảng đường cùng hệ thống các phòng thực hành, thí nghiệm, tàu huấn luyện đảm bảo chất lượng phục vụ công tác đào tạo trình độ kĩ sư chuyên ngành Khai thác máy tàu biển, Máy tàu thủy, Máy và Tự động công nghiệp; huấn luyện sỹ quan quản lý, sĩ quan vận hành...

Khoa được giao quản lý cơ sở vật chất với hệ thống các phòng ban chức năng, giảng đường, trung tâm thực hành - thí nghiệm đáp ứng đầy đủ năng lực đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học. Trong đó, khu nhà 4 tầng (Nhà A3, số 484 Lạch Tray) bố trí Văn phòng Khoa, phòng làm việc của lãnh đạo Khoa, văn phòng các bộ môn, phòng hội thảo, phòng học đủ điều kiện cho việc học tập và làm việc hiệu quả. Ngoài ra, sinh viên của Khoa Máy tàu biển còn được học tập tại khu giảng đường C1, C2 hiện đại.

Nhà A3 – Khu phòng ban và giảng đường của Khoa Máy tàu biển

Giảng đường C1

Sinh viên thuộc chuyên ngành Khai thác máy tàu biển được thực tập tại tàu huấn luyện SAO BIỂN của Trường. Đây là phương tiện thực tập quan trọng giúp sinh viên làm quen với công tác chuyên môn vận hành khai thác các thiết bị trong buồng máy của con tàu trong điều kiện thực tế. Tàu SAO BIỂN chạy chuyên tuyến Hải Phòng – Cát Bà – Bãi Cháy – Hải Phòng giúp sinh viên làm quen với các điều kiện thời tiết, sóng gió, luồng lạch. Nhờ vậy sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, về làm việc tại các công ty vận tải biển sẽ không còn bị bỡ ngỡ khi đi thực tế trên các tàu biển.

Tàu huấn luyện SAO BIỂN

Hiện tại, Khoa đang quản lý 14 phòng thực hành, thí nghiệm, trung tâm mô phỏng được trang bị đầy đủ thiết bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng năng lực huấn luyện và nghiên cứu chuyên sâu:

- Trung tâm nghiên cứu hệ động lực tàu thủy được trang bị các động cơ diesel công suất lớn (trên 1000 mã lực) với hệ thống điều khiển từ xa hiện đại thực hiện các chức năng làm việc như trên một con tàu thực sự. Bên cạnh đó, Trung tâm còn được trang bị các thiết bị đo đạc giám sát hiện đại phục vụ mục đích nghiên cứu chuyên sâu như thiết bị đo mô men xoắn hệ trục, camera giám sát buồng đốt để chụp ảnh và quay phim buồng đốt động cơ, các thiết bị lọc dầu có mức độ tự động hóa cao…

Động cơ diesel HANSHIN 6LU32 công suất 1300 mã lực tại Trung tâm nghiên cứu hệ động lực tàu thủy

Buồng điều khiển từ xa động cơ diesel HANSHIN 6LU32 công suất 1300 mã lực tại

Trung tâm nghiên cứu hệ động lực tàu thủy

Hệ thống máy lọc nhiên liệu và dầu bôi trơn phục vụ động cơ

Động cơ diesel DAIHATSU phục vụ thực hành tháo, lắp, sửa chữa động cơ

- Phòng thực hành Máy phụ được trang bị các thiết bị giúp sinh viên làm quen với các máy móc thiết bị phụ trên tàu như các bơm, máy lọc, máy phân ly, lò đốt rác, hệ thống thủy lực và các phần tử thủy lực…

Thực hành tìm hiểu các loại bơm sử dụng dưới tàu thủy

Thực hành hệ thống phân ly dầu-nước la canh buồng máy

Thực hành về lò đốt rác và hệ thống thủy lực điều khiển tời neo, cầu thủy lực…

Thực hành về hệ thống máy lái thủy lực

Thực hành về các phần tử thủy lực sử dụng dưới tàu thủy

- Phòng thực hành Tự động trang bị hệ thống và các phần tử tự động như hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ hâm dầu, thiết bị tự động điều chỉnh tốc quay động cơ diesel (bộ điều tốc), mô hình thực hành lý thuyết điều khiển tự động…

Mô hình thực hành Lý thuyết điều khiển tự động

Băng thử bộ điều tốc

- Phòng thực hành Động lực trang bị các chi tiết cơ bản của động cơ diesel như sơ mi xilanh, piston, trục khuỷu, trục cam…

 

Thực hành về các chi tiết động cơ diesel

- Phòng Máy cắt trang bị mô hình cắt của các thiết bị như động cơ diesel, máy lọc ly tâm, các loại bơm, van… giúp sinh viên hiểu rõ về kết cấu của các thiết bị:

Mô hình cắt động cơ diesel

Mô hình cắt máy lọc ly tâm

Mô hình cắt bơm ly tâm

- Phòng thực hành Buồng máy trang bị toàn bộ các trang thiết bị và các hệ thống của một buồng máy tàu thủy như động cơ diesel lai chân vịt, các diesel lai máy phát, trạm phát điện, hệ thống máy lọc, hệ thống nhiên liệu, dầu bôi trơn, nước làm mát, hệ thống lạnh thực phẩm… giúp sinh viên làm quen công việc vận hành các thiết bị buồng máy trước khi bước chân xuống tàu thực tập:

Phòng thực hành buồng máy nhìn từ trên cao

- Phòng Nồi hơi trang bị nồi hơi tàu thủy và các hệ thống phục vụ giúp sinh viên làm quen với công việc vận hành nồi hơi:

Nồi hơi tàu thủy và các hệ thống phục vụ

- Phòng thực hành sửa chữa giúp sinh viên làm quen với công việc sửa chữa, tháo, lắp, bảo dưỡng động cơ diesel và các thiết bị buồng máy tàu thủy:

Thực hành tháo, lắp, bảo dưỡng động cơ diesel

Thực hành tháo, lắp, bảo dưỡng tổ hợp tua bin-máy nén khí

- Phòng mô phỏng giúp sinh viên làm quen với việc vận hành các thiết bị như nồi hơi, tua bin hơi, cũng như các hệ thống phục vụ trong hệ động lực tàu thủy thông qua các phần mềm mô phỏng trên máy tính:

Phòng huấn luyện mô phỏng hệ động lực tàu thủy

Phòng mô phỏng nồi hơi tàu thủy

- Phòng Tự động hóa thiết kế với các máy tính được trang bị các phần mềm chuyên dụng như AutoCAD, Autodesk Inventor, MatLAB, Visual Basic  phục vụ cho việc thực hành thiết kế hệ thống động lực tàu thủy và tự động hóa thiết kế HTĐL tàu thủy, ngoài ra còn phục vụ các nhu cầu sử dụng hệ thống máy tính nối mạng của chuyên ngành:

Phòng Tự động hóa thiết kế

- Phòng thiết bị đo và xác định đường tâm hệ trục trang bị các thiết đo hiện đại giúp sinh viên làm quen với thao tác xác định đường tâm hệ trục tàu thủy:

Thiết bị xác định đường tâm hệ trục bằng laser