THUYỀN VIÊN VÀ CÁC CÔNG ƯỚC HÀNG HẢI QUỐC TẾ

Ngày nay, hoạt động giao thông vận tải đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Trong đó, giao thông vận tải đường thuỷ nói chung và vận tải đường biển nói riêng hiện đang là một lĩnh vực giao thông vận tải chủ đạo, khi chiếm tới hơn 90% tổng trọng tải chuyên chở hàng hoá trong toàn bộ ngành vận tải (bao gồm thuỷ, bộ và không vận). Vận tải biển là giải pháp hữu hiệu nhất cho vận chuyển hàng hóa xuyên quốc gia. Đường biển được xem như con đường di chuyển phù hợp với các loại hàng, sản phẩm trên thị trường nên vận tải đường biển có tầm quan trọng rất lớn trong trao đổi, buôn bán hàng hóa nội địa và quốc tế, đặc biệt là giao thương giữa các đại lục bị ngăn cách bởi các đại dương rộng lớn. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin được giới thiệu sơ lược các thông tin về Tổ chức Hàng hải Quốc tế cũng như các công ước Quốc tế hiện hành trong ngành vận tải biển.
1. Giới thiệu về Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO)
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (International Maritime Organization) được biết đến là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm về an toàn và an ninh hàng hải và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển do tàu gây ra. Tổ chức Hàng hải Quốc tế là cơ quan thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu về hoạt động an toàn, an ninh và môi trường của vận chuyển quốc tế. Vai trò chính của nó là tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho ngành vận tải biển công bằng và hiệu quả, được áp dụng và thực hiện rộng rãi trên phạm vi toàn cầu.

2. Các Công ước Quốc tế hiện hành của IMO
+ Công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng người trên biển, 1974 sửa đổi bởi nghị định 1978 và 1988 (SOLAS 74).
Được xây dựng lần đầu năm 1914 sau sự cố chìm tàu Titanic nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các sự cố tương tự xảy ra, SOLAS đã được sửa đổi bổ sung vào các năm 1929, 1948 và 1960. Đến nay, qua 1 quá trình dài xây dựng và sửa đổi bổ sung SOLAS trở thành Công ước bao phủ khá đẩy đủ các nội dung liên quan đến an toàn hàng hải, có cấu trúc bao gồm 2 phần chính:
       - Phần 1: Quy định chung (Article).
       - Phần 2: chứa những nội dung liên quan đến kỹ thuật gồm 14 Chương và tích hợp nhiều Bộ luật (ISM, ISPS, LSA, III…), Nghị quyết (Resolution), Thông tri (Circular).
+ Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu, 1973 sửa đổi, bổ sung như nghị định thư 1978 (MARPOL 73/78)
Đây là công ước quan trọng nhất nhằm mục đích ngăn ngừa ô nhiễm từ các tai nạn hàng hải cũng như từ hoạt động hàng hải thông thường. Công ước được thông qua năm 1973 và sau đó được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định thư 1978 do một loạt các vụ tai nạn tàu dầu nghiêm trọng diễn ra trong khoảng thời gian 1976-1977. Công ước MARPOL có cấu trúc gồm Phần “Quy định chung” ( Article) và 06 Phụ lục (Annex),
- Phụ lục I: Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm biển do dầu.
- Phụ lục II: Các quy định về kiểm soát ô nhiễm do chất lỏng độc chở xô.
- Phụ lục III: Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do các chất độc hại chuyên  chở trên biển dưới dạng bao gói.
- Phụ lục IV: Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải của tàu.
- Phụ lục V: Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải của tàu.
- Phụ lục VI: Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do không khí do tàu gây ra.
+ Công ước Quốc tế về mạn khô 1966 (Load line 66)
Từ thế kỷ 19, các nhà hàng hải đã xác định việc giới hạn mớn nước của các tàu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho các tàu. Việc xác định chiều chìm tối đa của các tàu được thực hiện thông qua việc ấn định mạn khô.
Do đó, năm 1966 IMO đã thông qua Công ước quốc tế về mạn khô tàu biển nhằm xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về việc ấn định mạn khô cho tàu biển. Công ước có hiệu lực từ ngày 21/7/1968.
Công ước có cấu trúc gồm 2 phần:
- Phần Quy định chung (Article)
- Phần Phụ lục:
    + Phụ lục I: Các quy định, điều kiện xác định mạn khô tàu biển;
    + Phụ lục II: Các khu vực, vùng và thời gian theo mùa;
    + Phụ lục III: Các mẫu Giấy chứng nhận.
+ Công ước Quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, thi, cấp chứng chỉ chuyên môn và bố trí chức danh đối với thuyền viên, 1978 (STCW 78)
Công ước đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế về việc đào tạo, cấp giấy chứng nhận cho thuyền viên trên các tàu vận tải biển. Công ước có hiệu lực vào năm 1984 và có những lần sửa đổi lớn vào các năm 1995 và 2010.

+ Công ước Quốc tế về Lao động hàng hải 2006 (MLC 2006)
Công ước MLC được ILO thông qua ngày 23 tháng 02 năm 2006 và có hiệu lực kể từ ngày 20/08/2013, là sự tích hợp và cập nhật của khoảng gần 40 công ước và khuyến nghị khác nhau được ILO ban hành trong hơn 80 năm qua nhằm quy định quyền và lợi ích của thuyền viên nhằm nâng cao an toàn hàng hải và chất lượng vận tải biển quốc tế. Cùng với SOLAS, MARPOL và STCW, Công ước MLC được xem là 1 trong 4 công ước quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật quốc tế về hàng hải. Công ước hiện được phê chuẩn bởi 93 quốc gia chiếm 91% tổng dung tích đội tàu toàn thế giới tính đến 23/01/2019.
Công ước có cấu trúc gồm 3 phần: Điều (Article), các Quy định (Regulation) và Bộ luật (Code). Các Điều và Quy định đưa ra các quyền và nguyên tắc cơ bản cũng như các nghĩa vụ chính của các Quốc gia thành viên phê chuẩn Công ước. Bộ luật bao gồm các chi tiết thực hiện các Quy định. Bộ luật gồm có Phần A (các Tiêu chuẩn bắt buộc) và Phần B (các Hướng dẫn không bắt buộc).
3. Thuyền viên đối với việc thực thi các Công ước Quốc tế hiện hành
Có nhiều Công ước Quốc tế đã được Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đưa ra để áp dụng & thực hiện từ khi tổ chức này được thành lập cho đến nay. Trong đó 4 công ước: SOLAS, MARPOL, STCW và MLC là những công ước quan trọng nhất, liên quan chặt chẽ & bắt buộc áp dụng đối với tất cả các thuyền viên đang làm việc trên tàu biển. Bốn công ước này luôn được ví như 4 cái chân vững chắc cho một cái bàn IMO. Việc thực hiện tất cả các công ước này là bắt buộc không chỉ đối với thuyền viên mà còn liên quan trực tiếp đến các tổ chức đào tạo, huấn luyện, quản lý và tuyển dụng thuyền viên trên phạm vi toàn thế giới.
Để kiểm tra, rà soát & đánh giá việc tuân thủ các công ước thì đã có các cơ quan chức năng được chỉ định, cụ thể là: cơ quan kiểm soát nhà nước – cảng biển (Port State Control), cơ quan đăng kiểm (Register), cơ quan tuần soát bờ biển (Coast Guard)... Đầu tiên, các kiểm soát viên trực thuộc các cơ quan này sẽ trực tiếp kiểm tra, soát xét bắt đầu từ các hồ sơ, giấy tờ, sổ sách ghi chép lại tất cả các hoạt động và công việc mà thuyến viên đã thực hiện trước đó…. Sau đó, kiểm soát viên  sẽ bắt đầu kiểm tra thuyền viên một cách trực tiếp thông qua cách khai thác, vận hành các máy móc, thiết bị, dụng cụ… Đồng thời các kiểm soát viên cũng yêu cầu tất cả thuyền viên trên tàu tiến hành các hoạt động thực tập để đối phó với một số tình huống sự cố có thế xảy ra trong quá trình hoạt động khai thác con tàu. Tất cả những việc này nhằm mục đích đánh giá về mức độ hiểu biết, kỹ năng & tần suất sử dụng của thuyền viên đối với tất cả các máy móc thiết bị… đã được lắp đặt trên tàu phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng công ước. Cuối cùng, kiểm soát viên sẽ phỏng vấn thuyền viên về các quy định, điều khoản cũng như cách thức thực thi các công ước Quốc tế thông qua việc khai thác vận hành các thiết bị máy móc, cũng như thông qua việc ghi chép vào sổ sách ngay sau khi các công việc đã được thực hiện xong. Tất cả các công việc này của kiểm soát viên nhằm chứng minh rằng: tất cả các công ước quốc tế về Hàng hải đã được thực thi một cách chân thực, an toàn & hiệu quả… theo yêu cầu của tửng con tàu cụ thể.
Để thực hiện được việc này một cách nhanh chóng, an toàn & hiệu quả nhất nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng đội ngũ thuyền viên có chất lượng với đẳng cấp quốc tế ngày càng lớn từ các công ty VTB. Vấn đề đào tạo & huấn luyện thuyền viên luôn được các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề… chú trọng & ưu tiên hàng đầu. Trong đó, trường Đại học Hàng hải Việt Nam là một cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành vận tải biển có thương hiệu, uy tín & chất lượng đào tạo với quy mô thuộc hàng đứng đầu khu vực Đông Nam Á, với đặc sản là hai khoa chủ đạo trong việc cung ứng thuyền viên đã làm nên thương hiệu của nhà trường: khoa Điều khiển tàu biển & khoa Máy tàu biển. Cũng chưa có bất kỳ một ngành nghề nào mà sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường đã được làm việc ngay trên các con tàu biển cỡ lớn với các trang thiết bị máy móc hiện đại, cùng với mức lương hàng ngàn USD mỗi tháng. Ngoài ra, làm việc trên một con tàu biển cỡ lớn chạy khắp thế giới cũng luôn đem lại cho thuyền viên rất nhiều những khám phá & sự trải nghiệm mà những ngành nghề khác trên đất liền không có được. Đây là hai trong những điểm luôn hấp dẫn đối với bất kỳ ai muốn có một công việc mang tính kỹ thuật cao, mức lương rất hấp dẫn để nâng cao mức sống; cũng như muốn mở rộng thế giới quan, nâng cao kiến thức & tầm hiểu biết của bản thân.