Sự cố trong khai thác tàu thủy và biện pháp phòng ngừa

MỘT VÀI SỰ CỐ XẨY RA TRÊN TÀU THỦY
SOME TROUBLE OCCURED ON THE SHIP

ThS, MTR. HOÀNG VĂN THỦY
Bộ môn khai thác máy tàu biển - Khoa Máy tàu biển


1. Đặt vấn đề
Trong khai thác vận hành hệ động lực tàu thủy, các sự cố về máy móc có thể xẩy ra bất kì lúc nào. Những sự cố này có thể do chủ quan hay khách quan xẩy ra ngoài ý muốn của con người. nhưng có một điều hết sức quan trọng là sau mỗi lần xẩy ra sự cố và giải quyết các sự cố này lại là những bài học kinh nghiệm quí báu cho các sĩ quan cũng như thủy thủ để có những kế hoạch hay phương phương pháp bảo dưỡng máy móc thiết bị tránh cho sự cố xẩy ra tiếp theo.
Với kinh nghiệm đã trải qua và đã gặp các sự cố khi khai thác động cơ, tôi đưa ra một vài sự cố đã xẩy ra trên tàu với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với các sĩ quan, thợ máy, các học viên quan tâm nhằm có thêm những kinh nghiệm xử lý sự cố nếu có gặp sau này.
2. Một số sự cố xẩy ra khi khai thác hệ động lực tàu thủy
2.1 Sự cố gẫy đoạn ống thoát dầu làm mát đỉnh piston
2.1.1 Hiện tượng:
Trong chuyến hành trình tàu chạy từ cảng Gijon - Spain tới Barsil, ngày 2-12-2012 vào khoảng 19h30  sĩ quan máy nhất trực ca, đột nhiên nghe thấy tiếng gõ lạ rất to trong các-te của máy chính, sau đó ngay lập tức còi báo động không có dầu làm mát piston số 2 (No.2 piston CO non-flow) và máy chính tự động giảm máy (slow-down). Ngay lập tức sĩ quan báo cáo Máy trưởng và buồng lái. Chỉ 3 phút sau Máy trưởng có mặt tại buồng máy và cho dừng máy chính. Tàu thì đang hành trình giữa Đại tây dương, gió cấp 5. Sau 30 phút, khi nhiệt độ trong các-te máy chính đã xuống, Máy trưởng cho sĩ quan mở nắp các-te số 2 kiểm tra thì phát hiện thấy đường ra của dầu nhờn làm mát piston No.2 bị gãy. Rất may sau khi kiểm tra kỹ thì không thấy hư hỏng các chi tiết bên trong khoang các-te và đoạn bị gãy nằm dưới đáy các-te. Vì không có vật tư dự trữ, máy trưởng quyết định cho thợ cả tháo đế ống ra và hàn lại, sau đó lắp vào, chạy bơm, thử lại thì bình thường. Sau khi kiểm tra kỹ và tàu lại tiếp tục hành trình bình thường.
2.1.2 Nguyên nhân:
Khách quan xẩy ra sự cố trên là do mối hàn từ nhà máy bị khuyết tật, sau thời gian tàu chạy do rung động dẫn đến bị nứt do mỏi vật liệu và dẫn đến bị gãy. Nguyên nhân chủ quan do đội ngũ sĩ quan chưa kiểm tra kĩ trước khi tàu hành trình.
2.1.3 Xử lý:
Cho hàn lại và lắp vào để tiếp tục hành trình, sau đó yêu cầu cấp vât tư sau.


Hình 1: Khoang các-te số 2 có đoạn ống gẫy


Hình 2: Đoạn ống thoát dầu làm mát đỉnh piston bị gẫy

2.2 Mất áp lực dầu bôi trơn sơ-mi xi-lanh

2.2.1 Hiện tượng:
Trong chuyến hành trình tàu Nord Venus tới cảng Slavanvat ở ví độ 78 Bắc cực. Khi tàu chuẩn bị vào khu vực đón hoa tiêu vào cầu, tàu vẫn còn ở chế độ hành trình biển (Navigation), đột nhiên máy chính tự động bảo vệ giảm máy (Slow-down), báo động buồng máy báo mất dầu bôi trơn xi-lanh. Tàu không thể tăng được tốc độ.
2.2.2 Nguyên nhân:
Sau khi tìm hiểu xử lý, thì nguyên nhân do tàu hoạt động trong vùng lạnh giá, nhiệt độ buồng máy xuống quá thấp < 50C dầu bôi trơn quá đặc, bơm dầu bôi trơn không đẩy dầu vào đường ống dầu được, bộ cảm biến lưu lượng dầu không cảm biến được và là nguyên nhân có báo động và bảo vệ Slow-down máy.
2.2.3 Xử lý:
Đóng hết quạt gió vào buồng máy, tắt chế độ tự động quạt gió làm mát dầu bôi trơn xi-lanh, bật hâm sấy tay (manual), treo đèn công suất lớn để hâm két dầu bôi trơn xi-lanh tại cửa hút của bơm dầu xi-lanh. Sau đó nhiệt độ dầu tăng dần lên và tốc độ máy tăng lên được và đảm bảo hành trình tiếp tục.
2.3 Dầu bôi trơn trục máy lái dò lọt, loang ra cảng
2.3.1 Hiện tượng: 
Trong hành trình tàu Nord Venus chạy ballast từ ngoài cửa sông Amazon - Brasil tới cảng Trombetas-Brasil. Sau khi cập cầu, bơm hết ballast ra để lấy hàng, thì tàu phát hiện có nhiều vết dầu loang ra cảng. Lập tức máy trưởng xuống kiểm tra buồng máy nhưng không phát hiện được nguyên nhân, buồng máy không bơm la-canh hay chuyển dầu, van thoát mạn phân ly dầu nước vẫn đóng. Vậy dầu từ đâu ra? Sau khi kiểm tra kỹ thì phát hiện ra dầu bôi trơn trục máy lái dò lọt theo trục lái xuống khoang trục lái. Và khi tàu nổi lên thì dầu theo lỗ thoát nước chảy ra ngoài mạn tàu.
2.3.2 Nguyên nhân:
Do phớt làm kín trục bánh lái bị mài mòn nhiều và biến dạng không còn khả năng làm kín, do vậy khi chạy trong luồng tàu quay trở nhiều, dầu bôi trơn dò lọt xuống.
2.3.3 Xử lý:
Việc thay phớt làm kín rất khó khăn và không có vật tư thay thế, do vậy phải giảm lượng và mức dầu bôi trơn, đồng thời trước khi vào cảng phải mở khoang trục lái ra kiểm tra và cho hóa chất xuống để xử lý đề phòng trường hợp nếu có dầu dò lọt -ra bên ngoài.
2.4 Sự cố tắt điện toàn tàu (Black out  tàu M.D Gatta)
2.4.1 Hiện tượng:
Khi mới nhận bàn giao tàu M.D Gatta từ thuyền viên Philippin, trong quá trình tàu ma-nơ ra vào luồng hay làm hàng thì khi có tải lớn hoặc thay đổi đột ngột thì bị sập máy đèn – mất điện toàn tàu, hiện tượng này hay lặp lại và rất nguy hiểm.
2.4.2 Nguyên nhân:
Sau khi tìm hiểu kỹ thì phát hiện ra van điều chỉnh áp suất  nhiên liệu có sự điều chỉnh (có thể do cố ý) cho nhiên liệu hồi về nhiều hơn. Vì thế khi tải thấp thì máy chạy song song bình thường và khi có tải vào thì lượng dầu cấp không đủ và áp suất giảm dẫn đến hiện tượng sập máy đèn (Black out), mất điện toàn tàu.
2.4.3 Xử lý:
Điều chỉnh, đặt lại vị trí van điều chỉnh thích hợp, sau đó các máy hoạt động bình thường.
2.5 Sự cố phin lọc tinh thứ cấp (second fuel oil filter) xả liên tục mà dầu vẫn bẩn, tắc phin lọc, áp suất giảm trên tàu M.D.Gatta
2.5.1 Hiện tượng:
Trong khi hành trình, áp suất nhiên liệu cấp vào máy chính và máy đèn giảm, báo động second filter xả liên tục. Cho tháo phin lọc về sinh, lắp vào chạy thời gian ngắn tình trạng cũ vẫn xẩy ra. Điều này làm cho máy chính cũng như máy đèn hoạt động trong tình trạng nguy hiểm.
2.5.2 Nguyên nhân:
Sau khi tháo second filter đồng thời cho tháo van xả, ống xả sau phin lọc (filter) thì phát hiện có búi giẻ nằm trong van. Điều này làm cho cặn bẩn xả ra không về két dầu bẩn được và là nguyên nhân gây giảm áp suất nhiên liệu và tắc phin lọc.
2.5.3 Xử lý:
Bỏ búi giẻ ra và sau đó mọi thông số trở lại bình thường.
2.6 Sự cố không hút được hết nước Ballast tàu M.D.Gatta.
2.6.1 Hiện tượng:
Tàu M.D.Gatta sau khi nhận bàn giao từ thủy thủ Philippin thì có tình trạng không hút hết được nước Ballast, luôn còn lại trên 1.000 M3 nước ballast, ảnh hưởng đến lượng hàng hóa sẽ được chuyên chở trên tàu. Và chính điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chủ tàu thay thế toàn bộ thuyền viên Philippin bằng thuyền viên Việt nam.
2.6.2 Nguyên nhân:
Sau 1.2 chuyến thì tình trạng trên vẫn xẩy ra, làm đau đầu ban chỉ huy tàu. Sau đó dùng các biện pháp gạn hút có thể và chui xuống các két ballast theo dõi và tìm chỗ dò lọt. Kết quả phát hiện đường ống Ballast phải và trái của két Ballast No.4 bị võng bị dò lọt tại chỗ bích nối. Sau khi tháo ra, vệ sinh siết lại ốc, cho thử và bơm hút rất tốt, nước Ballast được hút hết ra.
2.6.3 Xử lý:
Sau khi tháo ra, vệ sinh siết lại ốc, cho thử và bơm hút rất tốt, nước Ballast được hút hết ra.
3. Kết luận
Trên đây là một vài tình huống, sự cố xẩy ra rên một số tàu mà tôi đã gặp. Hy vọng sẽ  được các sĩ quan lưu ý và lấy làm kinh nghiệm khi khai thác tàu được an toàn. Bài báo có thể làm tài liệu tham khảo cho các sĩ quan máy cũng như sinh viên ngành khai thác máy tàu biển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] NSU Instrution guide for ship.
[2] Mitsui Man B&W TECHNICAL NEW.