Những nguy hiểm tiềm tàng từ ống thông hơi két dầu đốt trên tàu biển

NHỮNG NGUY HIỂM TIỀM TÀNG TỪ ỐNG THÔNG HƠI KÉT DẦU ĐỐT TRÊN TÀU BIỂN
STANDING DANGERS FROM MARINE FUEL OIL STORAGE TANK’S VENT PIPE

THS. ĐOÀN TÂN RƯỜNG
Khoa Máy tàu biển, Đại học Hàng hải Việt Nam


Tóm tắt
       Các ống thông hơi của các két chứa dầu đốt trên tàu thủy có vai trò quan trọng và thường chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của thuyền viên trong quá trình vận hành, khai thác tàu. Bài báo sẽ chia sẻ những sự cố nguy hiểm xảy ra liên quan đến ống thông hơi của các két chứa dầu đốt này và khuyến cáo những giải pháp ngăn ngừa nhằm đảm bảo tính an toàn trong khai thác tàu biển.
Từ khóa: ống thông hơi, két dầu, dầu đốt
Abstract
        The vent pipes of fuel oil tanks on board the ship take an important role and have not received the reasonable supervision from crew yet. This article is going to share some dangerous troubles relating to these vent pipes and recommends some countermeasures in order to ensure the safety of ship operation.
Keyword: vent pipe, fuel tank, fuel oil
      1. Đặt vấn đề
       Tùy thuộc vào diện tích mặt thoáng mà một két chứa dầu đốt có thể có một hoặc nhiều ống thông hơi. Các ống thông hơi này có vai trò đảm bảo sự thở của dầu đốt trong két chứa, đảm bảo sự cân bằng áp suất không khí bên trong két và bên ngoài môi trường. Dòng không khí từ bên ngoài môi trường sẽ chảy vào trong két chứa qua ống thông hơi khi mức dầu đốt trong két giảm dần và không khí từ trong két sẽ chuyển động ra ngoài khi dầu đốt được bơm vào trong két. Dòng không khí cũng chuyển động vào ra qua ống thông hơi khi có sự thay đổi nhiệt độ môi trường giữa ban ngày và ban đêm hoặc khi tàu di chuyển qua các vùng khí hậu khác nhau do sự dãn nở của dầu đốt trong két. Thiết kế của két thông hơi ngoài việc giúp giải phóng được hơi dầu trong két, nó còn phải bảo vệ két dầu khỏi sự xâm nhập của các tạp chất, nước biển từ bên ngoài môi trường vào trong két cũng như hạn chế được lượng dầu trong két tràn ra ngoài môi trường khi tàu gặp sự cố, tai nạn. Trên rất nhiều tàu, đặc biệt là các tàu cũ, trọng tải nhỏ, khi két đáy đôi được sử dụng làm các két chứa dầu đốt và đường ống thông hơi được thiết kế đi bên trong không gian hầm hàng. Kiểu bố trí như vây có thể đem đến những sự cố nguy hiểm, gây mất an toàn cho hệ động lực, con người và môi trường biển.
       2. Các sự cố điển hình và biên pháp phòng tránh
       Sự cố tiêu biểu thứ nhất liên quan đến ống thông hơi két chứa dầu đốt để lại hậu quả nghiêm trọng cho hệ động lực tàu biển trên một con tàu hàng rời thuộc quản lý của Fleet  Ship Management Pte., Ltd, Singapore diễn ra như sau: Tàu đang hành trình trên biển, nhiệt độ khí xả của hai xilanh trên động cơ chính hai kỳ, chậm tốc, 6 xilanh tăng cao bất thường. Ngay sau đó động cơ được dừng, việc thay thế các vòi phun và xupap trên hai xilanh này được tiến hành song song với việc kiểm tra tình trạng của xéc măng, sơ mi qua các khoang gió quét. Kết quả kiểm tra cho thấy một số xéc măng tại cả hai xilanh đã bị gãy. Thuyền viên lập tức xin phép công ty và tiến hành tháo rút piston để thay thế toàn bộ xéc măng của cả hai xilanh. Sau khi kết thúc công việc sửa chữa, tàu tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, hiện tượng nhiệt độ khí xả tăng cao bất thường lại diễn ra trên tất cả 4 xilanh còn lại của động cơ chính. Kiểm tra qua khoang gió quét cho thấy xéc măng của cả 4 xilanh này hầu hết đã bị gãy. Việc sửa chữa là không thể do tàu không còn bất cứ bộ xéc măng dự trữ nào nữa. Tàu được kéo vào cảng gần nhất để phục vụ điều tra và sửa chữa. Trong quá trình điều tra, mọi nghi ngờ đều đổ về chất lượng dầu đốt đang sử dụng. Tuy nhiên, kết quả phân tích dầu lại cho thấy tất cả các thông số của loại dầu đốt đang dùng đều thỏa mãn các tiêu chuẩn quy định (công ty thuê một đơn vị uy tín để hóa nghiệm dầu đốt sau khi nhận và chỉ cho phép thuyền viên sử dụng dầu đốt sau khi kết quả hóa nghiệm cho thấy dầu đốt đã thỏa mãn các tiêu chuẩn). Sau nhiều ngày điều tra tiếp theo đã phát hiện đường ống thông hơi của két chứa dầu đốt đang dùng bị ăn mòn nghiêm trọng và thủng nhiều lỗ tại vị trí tiếp giáp với vách ngang vỏ tàu. Đường ống thông hơi này được thiết kế chạy trong không gian hầm hàng. Lật lại lịch sử chuyến đi cho thấy chuyến trước đó tàu chở quặng nhôm (Al2O3) và trong suốt chuyến đó, két dầu đốt này không được dùng. Việc chuyển sang sử dụng két chỉ được tiến hành một vài ngày sau khi bắt đầu chuyến hành trình mới. Thời gian kể từ lúc chuyển két đến khi xảy ra sự cố là 12 ngày. Mẫu dầu đốt từ két này sau đó được lấy và gửi đi phân tích ngay lập tức. Kết quả phân tích cho thấy trong mẫu có chứa nhiều thành phần quặng nhôm. Như vậy, quặng nhôm đã xâm nhập vào két thông qua lỗ thủng của ống thông hơi. Dầu đốt từ tất cả các két được bơm chuyển lên bờ, hệ thống đường ống, phin lọc được xả và vệ sinh sạch, tất cả các vòi phun, sơ mi và plunger của các bơm cao áp, tất cả xéc măng, sơ mi xilanh của động cơ được thay mới. Một số đỉnh piston phải đem đi hồi phục lại do các rãnh xéc măng bị mòn quá giới hạn cho phép và tất nhiên, ống thông hơi của tất cả các két dầu đốt đều được kiểm tra và thay mới.
       Sự cố thứ hai liên quan đến ống thông hơi xảy ra trên con tàu chở gỗ thuộc sở hữu của Wisdom Mairine Line, Đài Loan khi tàu đang trả hàng trong cảng tại Nhật Bản. Đây là một con tàu nhỏ, nhiều két chứa dầu đốt và các đường ống thông hơi của các két dầu đốt này đều đi trong không gian hầm hàng. Sỹ quan máy ba tiến hành bơm chuyển dầu đốt để chuẩn bị cho việc nhận dầu dự định diễn ra sau đó hai ngày. Trong quá trình bơm chuyển, do tham gia trợ giúp sỹ quan máy hai bảo dưỡng máy lọc dầu nhờn, anh ta quên mất mình đang bơm chuyển dầu đốt. Sau khi bảo dưỡng xong máy lọc, anh ta mới sực nhớ, chạy lên đo két thì thấy dầu đốt đã tràn lênh láng ở khu vực hầm hàng số 1 (công nhân nghỉ trưa, việc làm hàng tạm dừng nhưng nắp hầm hàng vẫn mở). Dầu đốt cũng đã tràn ra mặt boong tàu từ ống thông hơi nhưng may mắn thay, chưa một giọt nào tràn xuống biển. Dầu từ két này sau đó được bơm chuyển ngược lại các két khác cho tới mức an toàn. Báo cáo sự cố được gửi đến chủ tàu và các biên liên quan. Hậu quả của sự cố là khoảng 6 tấn dầu bị tràn xuống hầm hầng và mặt boong, khoảng hai chục cây gỗ bị ngấm dầu chuyển sang màu đen, quá trình làm hàng bị gián đoạn để phục vụ điều tra và khắc phục, rất nhiều các cơ quan vào cuộc như PSC, đăng kiểm, bảo hiểm… Thời gian tàu nằm cảng kéo dài thêm gần 3 ngày. Kết quả điều tra nguyên nhân sự cố cho thấy ngoài sự yếu kém trong thực thi công việc của thuyền viên thì đường ống thông hơi của két dầu số 1 (két đáy đôi nằm dưới hầm hàng số 1) đã bị bục tại vị trí nằm trong không gian hầm hàng.         Do đó, khi mức dầu trong két đầy, bên cạnh tràn ra theo đầu lỗ thông hơi, nhiên liệu sẽ theo lỗ thủng này tràn xuống dưới hầm hàng gây ra những tổn thất không nhỏ đối với hàng hóa.
       Hai sự cố trên là các sự cố tiêu biểu trong rất nhiều sự cố liên quan đến đường ống thông hơi của các két chứa nhiên liệu đã từng xảy ra trong quá trình khai thác tàu biển. Những sự cố này không những cảnh tỉnh người khai thác và yêu cầu một sự quan tâm sâu sát hơn đối với các ống thông hơi của các két nhiên liệu và của nhiều két chứa các loại công chất khác mà còn đặt ra những vấn đề trong quá trình tính toán, thiết kế tàu. Những đường ống thông hơi này nếu đi trong không gian hầm hàng, ngoài việc khó tiếp cận để kiểm tra, chúng có thể bị hư hỏng bất cứ lúc nào do tác động, va đập, xô đẩy của nhiều loại hàng hóa khác nhau mà tàu chở. Tác động của yếu tố thời tiết và thời gian làm xấu hóa tình trạng của chúng cũng là vấn đề đáng quan tâm. Trên các con tàu mới, các két nhiên liệu hầu hết là két treo, đường ống thông hơi của két đặt trực tiếp trên mặt boong tàu tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát tình trạng kỹ thuật của chúng. Về phía người vận hành, việc kiểm tra tình trạng các ống thông hơi của các két nhiên liệu này phải được tiến hành định kỳ, đặc biệt là khi chúng được đi trong không gian hầm hàng. Việc kiểm tra cần phải được tiến hành ngay sau khi tàu kết thúc việc trả những loại hàng hóa có tính chất ăn mòn cao hoặc khi nghi ngờ có sự va đập, cọ sát của hàng hóa vào ống thông hơi khi tàu hành hải trong thời tiết xấu. Trong quá trình kiểm tra, cần soi xét tỷ mỉ những vị trí khó tiếp cận, khó sơn phủ, có thể sử dụng búa gõ rỉ gõ nhẹ lên các vị trí nghi ngờ để đảm bảo chắc chắn chúng còn tốt. Trong trường hợp cần thiết, có thể tiến hành thay thế nếu điều kiện cho phép hoặc sử dụng các giải pháp kỹ thuật khác nhằm gia cường tạm thời những vị trí yếu, mọt trước khi có điều kiện thay thế chúng. Đầu ống thông hơi cũng phải được kiểm tra thường xuyên nhằm xử lý những chỗ bị biến dạng, ăn mòn, quả bóng trong đầu ống thông hơi phải luôn trong tình trạng tốt để đảm bảo sự ngăn ngừa nước biển và các tạp chất khác xâm nhập vào trong két từ các ống thông hơi này.
       3. Kết luận
       Tình trạng không tốt của các ống thông hơi của các két dầu đốt trên tàu biển có thể dẫn đến những sự cố lớn, để lại những hậu quả nặng nề cho con tàu, gây thiệt hại kinh tế lớn cho chủ tàu, sự mệt mỏi cho thuyền viên cùng nhiều hệ lụy khác. Do đó, chúng cần nhận được quan tâm một cách đúng mực từ phía thuyền viên và cán bộ quản lý kỹ thuật trong quá trình khai thác tàu biển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] https://www.dco.uscg.mil/Portals/9/MSC/PRG/PRG.E1-29.2010.11.03.Vents_An...
[2] https://www.steeltank.com/Portals/0/docs/Storage%20Tank%20Venting%20comp...