Sĩ quan máy tàu biển là ai?
Sĩ quan máy tàu biển là những chuyên gia đã được đào tạo về khai thác máy tàu biển, có kiến thức, kĩ năng, ngoại ngữ và chịu trách nhiệm vận hành, bảo trì và sửa chữa tất cả các máy, thiết bị cơ khí và kỹ thuật chính trên tàu. Trên tàu biển, thuyền viên được tổ chức thành hai bộ bận chính là Boong (Deck Department) và Máy (Engine Department).
Thành phần bộ phận máy bao gồm:
Sĩ quan hàng hải được chia thành hai cấp: Sĩ quan vận hành và Sĩ quan quản lý. Để trở thành sĩ quan máy mức vận hành, thuyền viên cần đủ thời gian đi biển và tham gia kỳ thi quốc gia do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức theo quy định theo Bộ luật quốc tế về cấp chứng chỉ cho thuyền viên STCW của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Các Giấy chứng nhận chức danh (bằng sĩ quan) có hiệu lực và được công nhận trên toàn thế giới vì Việt Nam là một thành viên của IMO. Các sĩ quan máy tàu biển sẽ bắt đầu nghề nghiệp trên biển với chức danh Sĩ quan vận hành (Engine Officer, Operating Level). Khi đủ kinh nghiệm đi biển, thuyền viên có thể đăng ký khóa học nghiệp vụ để thi thăng hạng lên mức quản lý (Management Level). Tổng thời gian đi biển để một sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Máy tàu biển có thể trở thành sĩ quan quản lý là 24 tháng (không tính thời gian thực tập (cadet).
Tính đến ngày 1/10/2022, số lượng thuyền viên Việt Nam là hơn 54.000 người (Nguồn: Website BGTVT).
Sĩ quan máy tàu biển làm gì?
Theo dõi, giám sát, báo cáo: Mỗi sĩ quan máy tàu biển được chỉ định phụ trách một số thiết bị và hệ thống trên tàu. Do đó, họ có trách nhiệm trực tiếp giám sát, theo dõi, chăm sóc các thiết bị và hệ thống này, có kế hoạch kiểm tra, bảo trì phù hợp, báo cáo cấp trên hoặc báo cáo về công ty quản lý trên bờ khi cần thiết.
Trực ca: Trực ca là hoạt động theo dõi, giám sát các thiết bị, máy móc, hệ thống đảm bảo chúng hoạt động bình thường, hoặc luôn ở trạng thái sẵn sàng hoặc cần điều chỉnh, thay đổi khi có yêu cầu. Thời gian trực ca được bố trí liên tục 24h/ ngày cũng chính là thời gian lao động và được phân chia tương ứng với số lượng sĩ quan máy tàu biển trên tàu. Có rất nhiều tàu biển được thiết kế buồng máy không cần trực ca. Khi đó, các sĩ quan máy tàu biển sẽ làm việc theo giờ hành chính.
Bảo trì theo kế hoạch: Để duy trì trạng thái kĩ thuật bình thường và luôn sẵn sàng, các thiết bị, hệ thống trên tàu cần được bảo trì thường xuyên, bao gồm các hoạt động bảo dưỡng, kiểm tra, thử, chỉnh định, thay thế các chi tiết khi đến hạn hoặc khi cần thiết.
Nhận và sử dụng nhiên liệu, vật tư: Để con tàu hoạt động nhiều ngày trên biển cần có một lượng dự trữ nhiên liệu và vật tư cần thiết cho chuyến đi, cho cả máy móc và cho thuyền viên trên tàu. Các loại vật tư này cần được tính toán và quản lý, sử dụng phù hợp để đảm bảo tàu hành trình an toàn, tiết kiệm.
Ứng phó và xử lý sự cố: Tàu biển có đặc thù hoạt động trên biển dài ngày và luôn cần ở trạng thái hoạt động tốt nhất nên các sự cố hoặc các vấn đề phát sinh đối với máy, thiết bị trên tàu cần được xử lý và khắc phục. Các sĩ quan máy tàu biển và thuyền viên trên tàu sẽ là những người trực tiếp tổ chức, ứng phó và xử lý các sự cố có khả năng xảy ra.
Tuân thủ luật, quy định về an toàn, an ninh, ngăn ngừa ô nhiễm: Tàu biển từ khi đóng mới, đưa vào hoạt động cho đến khi được phá dỡ đều tuân thủ chặt chẽ luật lệ quốc tế về an toàn, an ninh và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và chịu sự kiểm tra của nhiều bên liên quan, đây chính là một trong những nhiệm vụ của các sĩ quan máy tàu biển đối với máy, thiết bị, hệ thống mình phụ trách.
Sĩ quan máy tàu biển có mức thu nhập và khả năng thăng tiến như thế nào?
Có nhiều lý do để thuyền viên tàu biển nói chung và các sĩ quan máy tàu biển nói riêng có mức lương cao hơn nhiều so với các ngành nghề cơ khí, kỹ thuật khác. Một trong số đó chính là yêu cầu cao hơn về năng lực, trình độ chuyên môn và ngoại ngữ. Ngoài ra, làm việc trên tàu biển là môi trường quốc tế, nên mức lương cũng cần tuân thủ những quy định về mức lương tối thiểu quốc tế. Bằng sự khẳng định khả năng của mình, thuyền viên Việt Nam đã và đang nhận được sự đãi ngộ tương đương thuyền viên từ các quốc gia khác.
Lương của các sĩ quan máy tàu biển tùy thuộc vào chức danh đảm nhận ở trên tàu, loại tàu và nhiều yếu tố khác. Hiện nay, sĩ quan máy tàu biển người Việt Nam ở cấp cao nhất là máy trưởng nhận mức lương trung bình 6.000-8.000 USD/ tháng. Trên một số tàu chuyên dụng cỡ lớn như tàu chở hàng rời, tàu dầu, tàu khách, thàu chở ô tô, mức lương có thể đến 10.000-15.000 USD/ tháng. Các chủ tàu Việt Nam thường trả cho thuyền viên mức lương thấp hơn so với các chủ tàu nước ngoài.
Hình 1: Mức lương trung bình của thuyền viên thế giới theo chức danh với một số loại tàu (tính theo USD/ tháng)
Để đạt đến chức danh cao nhất là máy trưởng (Chief engineer), các sĩ quan máy tàu biển cần trải qua các chức danh sĩ quan cấp thấp hơn. Khi đủ thời gian đi biển và vượt qua các kỳ thi sát hạch, họ sẽ được cấp chứng chỉ chuyên môn tương ứng để ứng tuyển chức danh cao hơn. Quá trình thăng tiến từ khi tốt nghiệp đại học Chuyên ngành Khai thác máy tàu biển đến khi trở thành máy trưởng cần trung bình từ 8-10 năm, tùy thuộc sự cố gắng và khả năng của mỗi người.
Cơ hội việc làm của sĩ quan máy tàu biển ở trên bờ?
Sĩ quan máy tàu biển là kỹ sư về động cơ, máy móc, thiết bị kỹ thuật công nghiệp nên phạm vi việc làm ở các doanh nghiệp, nhà máy ở trên bờ rất đa dạng và luôn có sẵn dành cho các sĩ quan máy tàu biển đã có kinh nghiệm và ngoại ngữ tốt. Tuy nhiên, mức thu nhập ở các vị trí việc làm này không thể so sánh với mức lương như đối với một sĩ quan máy tàu biển.
Sĩ quan máy tàu biển có quyền lợi/ thuận lợi gì trên tàu?
1. Cũng như những thuyền viên khác, sĩ quan máy tàu biển được ký hợp đồng lao động với các điều khoản tuân theo luật lệ quốc tế, cụ thể là Công ước Lao động hàng hải của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
2. Giờ làm việc thông thường của thuyền viên là 8h/ ngày, trừ khi phát sinh các hoạt động đặc biệt như tàu ra vào cảng hoặc khi cần xử lý sự cố hoặc một số hoạt động khác.
3. Tiền ăn, nước uống và mọi sinh hoạt của thuyền viên do chủ tàu chi trả, tàu có bộ phận bếp riêng để phục vụ nấu ăn và bảo quản thực phẩm cho tàu.
4. Thuyền viên được đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, giải trí khi làm việc trên tàu, cụ thể khu vực phòng ở được trang bị điều hòa không khí, đủ ánh sáng, có phòng ngủ riêng, hầu hết các tàu có phòng ngủ và vệ sinh khép kín, có khu vực phòng ăn riêng, có phòng giặt, sấy quần áo, có phòng giải trí xem phim, có phòng tập thể thao, được cung cấp một số vật dụng cá nhân cơ bản, …
5. Mức lương của thuyền viên tuân thủ theo mức lương tối thiểu được quy định bởi Nghiệp đoàn vận tải thế giới (ITF) hoặc của quốc gia tàu mang quốc tịch.
6. Lương và thu nhập khác của thuyền viên trên tàu phải được trả hàng tháng theo quy định của Công ước Lao động hàng hải. Không có bên trung gian nào được phép cắt trừ tiền lương và thu nhập của thuyền viên. Trong thời gian làm việc ở trên tàu, thuyền viên không cần chi tiêu đến lương, trừ trường hợp mua sắm vì lý do cá nhân.
7. Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế (Theo Luật thuế thu nhập cá nhân).
8. Tàu và thuyền viên trên tàu được mua bảo hiểm rủi ro do tai nạn bởi các tổ chức bảo hiểm quốc tế.
9. Các tàu đều có các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản, có phòng bệnh viện trên tàu cho thuyền viên
10. Các chi phí làm Visa, rời tàu, nhập tàu, di chuyển từ/ về nhà được chủ tàu chi trả.
11. Ngoài lương, thuyền viên còn có thể có thêm các khoản thu nhập khác như tiền làm thêm giờ, tiền bảo dưỡng sửa chữa trang thiết bị, tiền vệ sinh hầm hàng,…
12. Sự phát triển của tự động hóa giúp các sĩ quan máy tàu biển giảm bớt công việc tay chân nhưng cũng đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn.
13. Thuyền viên được phép lên bờ tham quan, mua sắm ở hầu hết các cảng nơi tàu đến (du lịch miễn phí), ngoại trừ vì lý do an ninh ở một số cảng đặc biệt. Chi phí để có giấy phép lên bờ (nếu có) do chủ tàu chi trả, đây cũng là một yêu cầu theo luật mà chủ tàu phải tuân thủ.
14. Đặc biệt. hiện nay đã có rất nhiều tàu được lắp đặt thiết bị cung cấp Internet vệ tinh, và nghị quyết của Tổ chức lao động thế giới đã bổ sung quy định trang bị Internet trên tàu là bắt buộc, do đó, thuyền viên có thể sử dụng Internet khi tàu ở bất kỳ đâu trên các vùng biển để trò chuyện, giải trí.
15. Sĩ quan máy tàu biển sau khi có đủ thâm niên theo quy định hoàn toàn có thể thi nâng hạng và ứng tuyển lên vị trí mới với mức lương tốt hơn.
Hình 2 Mức lương trung bình của thuyền viên thế giới theo chức danh với các loại tàu chở hàng lỏng
Hợp đồng của sĩ quan máy tàu biển khi làm việc trên tàu có lâu không?
Hợp đồng làm việc trên tàu biển của thuyền viên có thể thay đổi từ 4-9 tháng tùy theo từng công ty và vị trí chức danh đảm nhận. Khi kết thúc hợp đồng, thuyền viên sẽ được hồi hương về nhà và nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ ngơi có thể thay đổi theo ý muốn của thuyền viên. Thông thường, thuyền viên nghỉ ngơi từ 3-6 tháng sau đó tiếp tục hợp đồng tiếp theo, nếu chức danh tăng lên, lương của thuyền viên cũng tăng theo. Lưu ý rằng hợp đồng làm việc của thuyền viên là tự nguyện ở cả hai phía.
Sĩ quan máy tàu biển có trách nhiệm gì trên tàu?
i. Thực hiện, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ theo hợp đồng lao động
ii. Tuân thủ luật pháp quốc tế và địa phương.
iii. Đoàn kết, giúp đỡ, phối hợp với các sĩ quan, thuyền viên khác, với bộ phận quản lý của công ty trên bờ trong quản lý, điều hành và khai thác máy, thiết bị, hệ thống và các hoạt động khác.
Khi không đủ năng lực hoặc vi phạm luật, quy định quốc tế hoặc của nước sở tại, thuyền viên có thể bị chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc chịu trách nhiệm trước pháp luật hoặc phải chịu nộp tiền phạt tùy theo mức độ vi phạm.
Sĩ quan máy tàu biển có được lên bờ như khách du lịch không?
Ở mỗi cảng nơi tàu đến, thời gian tàu ở cảng có thể từ vài ngày đến vài tuần, thuyền viên trên tàu (bao gồm sĩ quan máy tàu biển) sẽ được cấp giấy phép đi bờ, khi đó, thuyền viên có thể bố trí theo thời gian làm việc của mình để đi tham quan, mua sắm, trải nghiệm những địa danh mới. Thuyền viên có thể được coi là những vị khách du lịch tự do khi được trải nghiệm du lịch miễn phí các nước nơi tàu đến.
Khi lên bờ, thuyền viên phải tuân thủ luật pháp nước sở tại, quy định của tàu và công ty, và cần sắp xếp phù hợp để không ảnh hưởng đến nhiệm vụ và công việc của mình trên tàu.
Một số thông tin khác
Các cơ quan chính quyền phụ trách:
• Tổ chức hàng hải thế giới (International Maritime Organization – IMO) là cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc phụ trách về các hoạt động vận tải biển, trong đó có thuyền viên trên tàu.
• Tổ chức lao động thế giới (International Labor Organization - ILO).
• Quốc gia tàu mang quốc tịch
• Các tổ chức phi chính phủ khác.
• Tại Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam và các chi cục Hàng hải là các cơ quan chủ quản phụ trách lính vực đào tạo và huấn luyện, quản lý thuyền viên.
• Tại Việt Nam, Bộ Lao động, thương binh và xã hội là cơ quan quản lý trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, trong đó có xuất khẩu lao động thuyền viên.
Số liệu thuyển viên thế giới:
Tính đến 2021, thế giới có 1.8 triệu thuyền viên, trong đó khoảng 850.000 là sĩ quan (trong đó có một nửa là sĩ quan máy tàu biển), còn lại là các chức danh thấp (thủy thủ, thợ máy).
Philippine là quốc gia có số lượng thuyền viên đông đảo nhất với trên 200.000 thuyền viên đang làm việc trên tàu, chưa kể lượng dự trữ chờ việc hoặc nghỉ giữa hợp đồng ở trên bờ. Năm 2020, kiều hồi do thuyền viên Phlippine mang về cho đất nược họ là 6.3 tỷ đô la (chiếm 21% tổng lượng kiều hối của Philippine), trong khi đó tổng lượng kiều hội của Việt Nam năm 2021 là 12.5 tỷ đô la.
Ngoài Philippine, một số quốc gia khác cũng có lực lượng thuyền viên lớn như: Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Indonesia, Myanmar… Mặc dù được IMO đánh giá cao và đưa vào Danh sách trắng về đào tạo/huấn luyện thuyền viên từ rất sớm (2000), số lượng và vị trí của thuyền viên Việt Nam trên thị trường lao động hàng hải thế giới là khá khiêm tốn.
Tác giả: Cao Văn Bính - Giảng viên, Bộ môn Khai thác Máy tàu biển.
- Log in to post comments