Nghề thuyền viên thu nhập bao nhiêu

Thuyền viên thời bao cấp

Vào giai đoạn cuối thời bao cấp - khoảng Thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước - nghề đi biển thường được gọi bằng thuật ngữ "đi tàu viễn dương" hay "đi tàu VOSCO" với sự ngưỡng mộ (VOSCO là tên viết tắt của Công ty Vận tải biển Việt Nam hồi đó). Bởi đi tàu đồng nghĩa với sự giàu có. Thời kỳ đó, thuyền viên nói chung, đặc biệt là thuyền viên Việt Nam được trả lương khá thấp (chỉ khoảng vài trăm đến trên dưới 1000USD/tháng, tùy theo chức danh). Nhưng bù lại "đi tàu viễn dương" nghĩa là nhiều cơ hội buôn bán hàng từ nước ngoài, đặc biệt hàng "cáy" – là những đồ điện tử cũ của Nhật Bản như đầu video, amply, TV, tủ  lạnh, hay xe máy và các hàng gia dụng khác ….
Đất nước mở cửa, nền kinh tế dần phát triển và hội nhập. Sau hơn 30 năm đổi mới, đi nước ngoài giờ là chuyện nhỏ, và thuật ngữ "đi tàu viễn dương" cũng dần đi vào quên lãng. Mở cửa giao lưu quốc tế cũng dần biến hàng "cáy" thành hàng "Cam" (nghĩa là, việc buôn bán các mặt hàng cũ từ nước ngoài về không còn thông qua tàu biển mà chuyển qua đường biên giới với Combodia)

Thuyền viên thời nay
Vậy có phải không còn buôn hàng cáy mà nghề thuyền viên hết "hot"? Hiện nay thuyền viên thu nhập bao nhiêu?
Trong tất cả các ngành nghề, hàng hải là một trong số ít nghề nghiệp có tính quốc tế cao nhất. Với trên 90% lượng hàng hóa thông thương quốc tế được vận chuyển nhờ đường biển, có thể nói thuyền viên là những người chèo con đò kinh tế thế giới. Do đặc thù về tính quốc tế, bất cứ vấn đề gì liên quan đến con tàu đều mang yếu tố quốc tế và tuân theo các chuẩn mực quốc tế, bao gồm lương cho thuyền viên.
Vào năm 2006, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ban hành Công ước lao động hàng hải quốc tế, gọi tắt là MLC2006 – có hiệu lực bắt buộc trên toàn thế giới từ năm 2013. Việc áp dụng MLC2016 thể hiện sự nỗ lực quốc tế và là nền tảng vững chắc để đảm bảo quyền lợi của thuyền viên trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào.
Bảng lương ITF là gì?
ITF viết tắt của cụm từ International Transport Workers' Federations – Liên đoàn công nhân vận tải quốc tế. Là tổ chức tự nguyện, phi chính phủ, ITF đấu tranh vì quyền lợi của thuyền viên. Với sự phối hợp của ILO, hàng năm ITF đề xuất bảng lương tối thiểu cho thuyền viên. Bảng dưới là mức lương đề xuất áp dụng cho năm 2021 đối với các chức danh khác nhau theo đơn vị USD. (Link xem tại đây  https://www.itfseafarers.org/sites/default/files/node/resources/files/IL...)

Rank/Chức danh              Lương cơ bản       Leave pay    Chi trả ngày lễ tết      Ngoài giờ (104h/thg)      Tổng cộng

Master/Thuyền trưởng      2160                   179.96               103.82                         1350                      3,793
Chief Eng./Máy trưởng     1963                    163.56                94.36                          1227                      3,447
Chief Off./Đại phó           1394                    116.18                67.03                            871                      2,449
1st Eng./Máy nhất            1394                    116.18               67.03                            871                       2,449
2nd Eng./Máy hai             1117                      93.05               53.68                            698                       1,961
2nd Off./Thuyền phó 2     1117                      93.05               53.68                            698                       1,961
3rd Eng./Máy 3                 1076                     89.69               51.74                             673                       1,890
3rd Off./Thuyền phó 3      1076                     89.69               51.74                             673                       1,890
Elec Eng./Kỹ sư điện         1117                     93.05               53.68                             698                       1,961
Ch. St/Cook/Đầu bếp        1117                     93.05               53.68                             698                       1,961
Bosun/Thủy thủ trưởng       716                     59.67               34.42                             447                       1,258
AB/Thủy thủ chính              641                     53.42               30.82                             401                       1,126
ERR/Thợ máy chính             641                     53.42               30.82                             401                       1,126
ERR (junior)/Thợ máy         477                     39.74                22.93                             298                         838
OS/Thủy thủ                       477                     39.74                22.93                             298                         838
Stew/Phục vụ viên              546                      45.51               26.26                             341                         959

Những ai được hưởng theo bảng lương ITF
Việc áp dụng MLC2006 và bảng lương ITF là nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo mọi thuyền viên, không phân biệt màu da, chủng tộc, hay quốc tịch. ITF khuyến khích các tổ chức đại diện cho thuyền viên, chủ tàu ký các thỏa thuận (ITF agreement) thực hiện các đề xuất của ITF. Theo đó, thuyền viên làm trên những con tàu thuộc các đội tàu đã ký ITF agreement sẽ được nhận mức lương tối thiểu theo bảng lương ITF. Nếu chủ tàu vi phạm các quyền lợi của thuyền viên, như trả mức thấp hơn hay nợ lương, ITF có thể phối hợp với chính quyên hành chính tại các cảng bắt giữ tàu để yêu cầu chủ tàu chi trả theo đúng thỏa thuận đã ký.
Thuyền viên Việt Nam hiện đang nhận mức lương như thế nào
Thật đáng tiếc là cho đến hiện tại, Việt Nam chưa có tổ chức nào đại diện cho các chủ tàu hay thuyền viên ký ITF Agreement. Nói cách khác, nếu thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu Việt Nam thì không phải đối tượng áp dụng bảng lương ITF và sẽ không nhận được sự hỗ trợ của tổ chức này khi gặp tranh chấp liên quan đến quyền lợi. Tuy nhiên, nếu thuyền viên Việt Nam làm việc trên những đội tàu nước ngoài đã ký ITF Agreement như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, …, thì vẫn được áp dụng bảng lương ITF và nhận được sự hỗ trợ của tổ chức này. Thực tế, đối với các chủ tàu lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu, mức lương trả cho thuyền viên thường cao hơn bảng lương tối thiểu do ITF đề xuất. Với chức danh Máy trưởng, thuyền viên Việt Nam làm việc cho các chủ tàu nhận được vào khoảng 5000-7000 USD/tháng. Cá biệt, một số Máy trưởng làm việc trên các tàu dầu có thể nhận mức  lương trên 13.000 USD/tháng.
Các chủ tàu và thuyền viên Việt Nam nên làm gì
Hiện nay mặt bằng lương mà các chủ tàu Việt Nam trả cho thuyền viên thường thấp hơn khá nhiều so với bảng lương ITF đề xuất. Ví dụ, chức danh Máy trưởng thường nhận được khoảng từ 60 đến dưới 100 triệu VNĐ/tháng (dưới 4000 USD/tháng), tùy theo loại tàu. Có thể có nhiều lý do để giải thích cho việc trả mức lương thấp hơn mặt bằng quốc tế. Tuy nhiên, xu thế hội nhập quốc tế rộng rãi như hiện nay đòi hỏi các chủ tàu Việt Nam không thể mãi tách biệt với thế giới. Giá rẻ thì chất lượng thấp. Thuyền viên chất lượng thấp sẽ dẫn đến hiệu quả khai thác thấp, tăng chi phí khai thác, tăng thời gian dừng tàu để sửa chữa do hư hỏng. Điều này sẽ tác động trở lại, làm giảm uy tín đội tàu. Thực tế thị trường lao động thuyền viên hiện nay cho thấy các chủ tàu Việt Nam thường không thể tìm được thuyền viên chất lượng. Thậm chí nhiều chủ tàu phải tìm đến nhân lực chỉ được đào tạo ngắn hạn, hoặc chỉ hợp lý các chứng chỉ tối thiểu đủ để làm việc trên tàu.
Còn đối với lao động thuyền viên, việc lựa chọn các chủ tàu nước ngoài, ngoài việc được trả mức lương cao hơn, thì làm việc trên các tàu nước ngoài cũng tốt hơn và an toàn hơn do tàu mới hơn, và có hệ thống quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, tiền nào thì của nấy. Để được trả mức lương cao, chất lượng thuyền viên cũng đòi hỏi cao hơn.
Hiện nay, khi tham gia thị trường lao động thuyền viên quốc tế, thuyền viên Việt Nam được trả mức lương vào loại thấp nhất. Cùng một chức danh, lương thuyền viên Việt Nam thua xa Phillipine, thậm chí thấp hơn mức lương của thuyền viên Myanmar. Hai điểm yếu lớn nhất dẫn đến uy tín thấp của thuyền viên Việt Nam khi ra nhập thị trường lao động thuyền viên quốc tế là THÁI ĐỘ LÀM VIỆC CHUYÊN NGHIỆP và TIẾNG ANH.