Một vài thuật ngữ hay được sử dụng cho Công suất của Động cơ chính lai chân vịt Tàu thủy

1. Công suất chỉ thị Pi (Indicated Power):
Là công suất thực tế được tạo ra bên trong buồng đốt của động cơ bằng cách đốt cháy nhiên liệu. Do đó, nó tạo thành cơ sở để đánh giá hiệu quả đốt cháy hoặc giải phóng nhiệt trong xi lanh. Nó được tính toán dựa trên thiết kế của động cơ. Công suất chỉ thị có thể được tính toán khi đo đồ thị P-V, đồ thị này được vẽ bằng thiết bị đo đồ thị công chỉ thị (Indicator Instrument).

Indicator Instrument

Khi sử dụng thiết bị đo trên, các sỹ quan máy có thể kiểm tra áp suất nén pc và áp suất cháy cực đại pz của các xy lanh có bằng nhau không, nếu có sự sai khác lớn thì phân tích và tìm nguyên nhân.


2. Công suất có ích Pe (Effective Power):

Là Công suất khả dụng ở phía đầu ra của động cơ, tức là ở mặt bích trục khuỷu của động cơ nối nó với bánh đà và đầu của trục trung gian. Công suất có ích được xác định bởi kích thước của động cơ và bởi hiệu suất cơ khí của nó.
Công suất có ích có thể xác định bằng hai phương pháp đo sau:
-  Đo tốc độ và mô-men xoắn – thiết bị được lắp trên trục để đo mô men xoắn
-  Đo áp suất chỉ thị pi bởi đồ thị công chỉ thị. Từ đó tính được áp suất có ích bình quân pe= pi – k1
k1 = hệ số tổn thất do ma sát trung bình (tổn thất do ma sát trung bình trên thực tế đã được chứng minh là không phụ thuộc vào tải của động cơ).
Công suất có ích Pe = k2 × n × pe
Trong đó:
k2 : giá trị này được cung cấp bởi hãng chế tạo động cơ, giá trị k2 khác nhau bởi kiểu loại động cơ khác nhau, ví dụ với hãng MAN B&W thì S46MC-C k2= 0.5351; S50MC-C k2= 0.6545
n: tốc độ động cơ (vòng/ phút)
pe: áp suất có ích bình quân được tính như trên.

 

3. Công suất định mức (Rated Power):

Là công suất có ích liên tục do nhà sản xuất động cơ cung cấp với vòng quay (RPM) định mức của trục khuỷu. Công suất định mức bao gồm các tải trọng tác dụng lên động cơ do hệ thống phụ trợ được lai bởi công suất động cơ. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để lựa chọn động cơ, tức là Công suất liên tục lớn nhất (MCR) được xác định từ Công suất định mức.


4. Công suất liên tục NCR (Normal Continuous Rating,  Continuous Service Output):

Là công suất khi động cơ đang chạy ở phạm vi hoạt động an toàn liên tục ngoài bất kỳ giới hạn thời gian nào. Giá trị công suất này được cung cấp bởi hãng chế tạo động cơ.
Thông thường NCR = 85% MCR.


5. Công suất liên tục lớn nhất MCR (Maximum Continuous Rating):

Đây là công suất đầu ra tối đa mà động cơ có thể tạo ra trong khi chạy liên tục ở các giới hạn và điều kiện an toàn. Nó được chỉ định trên bảng tên động cơ và trong Hồ sơ kỹ thuật của động cơ diesel hàng hải. Các thông số động cơ quan trọng như mức tiêu thụ nhiên liệu cụ thể, hiệu suất động cơ, v.v. được tính bằng cách sử dụng công suất %MCR của động cơ.
Tàu luôn hoạt động với tốc độ và chế độ công suất liên tục (NCR), còn giá trị MCR thể hiện mức độ dự trữ công suất của động cơ.

 

Đỗ Minh Phong
Bộ môn Khai thác Máy tàu biển, Khoa máy tàu biển.