Hoạt động của máy phát điện trên tàu thủy

Máy phát điện (Generator Engine - G/E)  còn thường được gọi là Máy đèn. Máy đèn có chức năng, nhiệm vụ phát điện để cung cấp cho các thiết bị dùng điện trên tàu. Nói đến máy đèn, ta thường nghĩ ngay đến một tổ hợp gồm động cơ diesel (Diesel Engine) lai máy phát (Alternator).

 

1.  Chuẩn bị khởi động máy đèn

- Kiểm tra và mở các van dầu DO, dầu nhờn, nước làm mát cho đúng;

- Kiểm tra mức dầu nhờn cát-te, bộ điều tốc, tua bin tăng áp, dầu bệ đỡ máy phát…

- Kiểm tra và bổ sung két nước giãn nở;

- Kiểm tra mức dầu DO, (FO) trong két trực nhật (Service tank), lọc đầy két dầu trực nhật, xả nước, cặn két dầu;

- Nạp đầy chai gió khởi động, xả nước chai gió và hệ thống gió;

- Bơm dầu nhờn bằng tay (hoặc bằng bơm) khoảng 10 phút;

- Via máy bằng tay via khoảng 8 vòng;

- Mở biệt-xả trên nắp xi lanh;

- Mở gió khởi động, quay động cơ bằng gió khởi động (lăng-xê máy), quan sát khi các biệt xả có gì bất thường không. Nếu bình thường thì đóng biệt xả;

- Khởi động máy ở vòng quay thấp. Theo dõi các thông số của động cơ, nếu bình thường thì tăng vòng quay từ từ đến vòng quay định mức;

- Chờ nhiệt độ khí xả của các xy lanh ổn định (máy hoạt khoảng 10 phút), tiến hành hòa điện vào lưới. Điều chỉnh và tăng tải dần dần cho máy mới hòa;

- Hâm dầu FO và đổi sang chạy dầu FO cho máy (nếu thiết bị chạy FO).

 

   2.  Theo dõi và chăm sóc khi máy đang hoạt động

- Kiểm tra trạng thái hoạt động của máy: âm thanh và độ rung…

- Kiểm tra nhiệt độ khí xả, nhiệt độ nước làm mát ra khỏi xi-lanh;

- Kiểm tra mức và nhiệt độ dầu nhờn tua bin khí xả;

- Kiểm tra nhiệt độ và áp suất không khí tăng áp;

- Kiểm tra nhiệt độ, áp suất dầu nhờn (Lub.Oil), nước ngọt làm mát (CFW), nước biển làm mát (SW), nhiên liệu DO (FO);

- Kiểm tra tải của máy phát (kW) trên bảng điện chính và các thông số của nó như điện áp, tần số và cường độ dòng điện. Tùy theo phụ tải của tàu mà có thể một, hai thậm chí ba máy phát điện cùng hoạt động:

- Ghi nhật kí các thông số 2 giờ/ lần;

- Giữ vệ sinh và lau chùi sạch sẽ bên ngoài máy trước khi giao cho ca sau.

(Lưu ý: Có thông số nào cần lưu ý thì cần thông báo cho ca sau thì ghi lên bảng cho mọi người đều biết).

 

  3.  Các bước tắt máy đèn.

- Tiến hành đổi dầu từ FO sang DO và chạy khoảng 15 phút sao cho máy dùng hoàn toàn DO (nếu đang chạy FO);

- Giảm bớt tải cho máy đến khi đồng hồ công suất chỉ báo khoảng 5 kW  thì ngắt tải hoàn toàn;

- Giảm vòng quay cho máy tới gần vòng quay cộng hưởng;

- Chạy thêm khoảng 10 phút để máy nguội, sau đó tắt máy;

- Mở các biệt-xả trên nắp xi-lanh;

- Quay máy bằng không khí nén (blow air) để quyét khí sót và thổi muội làm sạch buồng đốt;

- Bơm dầu nhờn và via máy khoảng 10 vòng;

- Đóng các van gió khởi động, dầu nhờn, nước làm mát và các van liên quan (nếu cần).

 

     4.  Hòa đồng bộ 2 máy phát điện

4.1 Điều kiện hòa đồng bộ hai máy phát điện đồng bộ hoạt động song song với nhau:

(1) Điện áp 2 máy phát phải bằng nhau (U1=U2)

(2) Tần số (Hz) của 2 máy phát phải bằng nhau (F1=F2)

(3) Điện áp pha 2 máy phát phải trùng nhau (góc U1,U2 =0)

(4) Đúng thứ tự pha

Trong thực tế trên tàu thủy, khi hòa đồng bộ hai máy phát bằng tay hoặc hòa tự động cũng phải kiểm tra các điều kiện trên. Người ta dùng phương pháp đèn(đèn tắt hoặc đèn quay) hay dùng”đồng bộ kế” kết hợp với các đồng hồ “vôn-kế”.

 

4.2 Các bước hòa đồng bộ

- Điều chỉnh vòng quay (Hz) hai máy bằng nhau

- Kiểm tra điện áp hai máy phát bằng nhau(nếu lệch, phải điều chỉnh)

- Nếu hòa “tự động” chỉ việc bật công tắc “select”(lựa chọn) sang máy cần hòa (mới chạy) và ấn nút “parallel”(song song) thì hệ thống sẽ tự động điều chỉnh và hòa mạng cho hai máy làm việc song song

- Trong trường hợp hòa “bằng tay”: sau khi đã điều chỉnh hai máy đều nhau về tần số và điện áp, bật công tắc”select” sang máy cần hòa, theo dõi đồng hồ “đồng bộ kế”. Khi thấy 3 đèn cùng sáng và kim của “đồng bộ kế” chỉ 12 giờ thì nhanh chóng đóng cầu giao hòa mạng hai máy phát. Sau đó phải điều chỉnh các thông số trên của hai máy cho phù hợp nhau.

 

4.3 Ngắt tải một máy

Khi hai máy đang làm việc song song, muốn ngắt tải phải làm các bước sau:

- Đổi dầu sang DO cho máy định ngắt tải (nếu máy chạy FO).

- Sang tải của máy phát định tắt cho máy đang hoạt động.

- Khi thấy tải của máy định tắt khoảng 5 Kw thì ngắt cầu giao chính hay ấn nút “OFF”

- Giảm vòng quay máy định tắt và để chạy khoảng 10 phút cho máy giảm dần nhiệt độ.

- Tắt máy hoàn toàn và làm thủ tục nghỉ máy.

Máy đèn là một thiết bị quan trọng trên tàu, hầu hết trang thiết bị trên tàu hoạt động được đều được cung cấp nguồn điện bởi máy đèn. Nhiên liệu dùng cho máy đèn hiện nay thường là DO, một số tàu là HFO nhưng khi dừng máy thì chuyển sang DO. Với mục đích sao cho máy đèn hoạt động an toàn, ổn định và hiệu quả thì người vận hành cần chăm sóc, theo dõi chu đáo thiết bị khi máy đang hoạt động, bảo dưỡng máy đèn định kỳ theo tài liệu hướng dẫn và điều quan trọng là khởi động, hòa máy phát đổi dầu và dừng máy theo các bước đã nêu.

 

Đỗ Minh Phong