Ảnh hưởng của ô nhiễm tiếng ồn tới sức khỏe và các biện pháp phòng chống

ẢNH HƯỞNG CỦA Ô NHIỄM TIẾNG ỒN TỚI SỨC KHỎE VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
IMPACT OF NOISE POLLUTION ON HUMAN’S HEALTH AND SEVERAL RESOLUTIONS TO THIS TROUBLE

ThS. NGUYỄN MINH ĐỨC
Bộ môn Cơ sở máy tàu - Khoa Máy tàu biển

Tóm tắt:
       Bài báo trình bày một số tác hại của ô nhiễm tiếng ồn tới sức khỏe con người cũng như các hoạt động của đời sống xã hội và các giải pháp hạn chế sự ảnh hưởng của ô nhiễm tiếng ồn.
Abstract:
       Newspaper presents effect of noise pollution on the society as well as human being and remedies to prevent this problem.
1. Đặt vấn đề
       Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật, ô nhiễm tiếng ồn đã và đang có những tác động xấu tới sức khỏe con người và hạ thấp chất lượng cuộc sống của xã hội, như làm che lấp tiếng nói trong trao đổi thông tin, làm phân tán tư tưởng và dẫn đến làm giảm hiệu quả lao động, tiếng ồn quấy rối sự yên tĩnh và giấc ngủ của con người.
       Tác động lâu dài của tiếng ồn đối với con người sẽ gây ra bệnh mất ngủ, suy nhược thần kinh, cũng như làm trầm trọng thêm các bệnh về tim mạch và huyết áp cao. Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch Môi trường đô thị - nông thôn năm 1998, trên các trục đường giao thông đô thị của Hà Nội, mức ồn tương đương trung bình của các dòng xe thường rất lớn, trung bình ban ngày có thể dao động trong khoảng từ 71,3dB đến 79,2dB, ban đêm từ 67,3dB đến 73,0dB.

       Theo kết quả nghiên cứu của Sở khoa học công nghệ và môi trường Hà Nội, tại các điểm khảo sát phổ biến ở Hà Nội (một số nút giao thông và tuyến phố chính) mức ồn giao thông trung bình từ 77-82dB vào năm 2000. So với kết quả khảo sát trước đó 2- 3 năm trong cùng điều kiện về thời gian và không gian thì trung bình mức ồn tăng 4-5dB. Như vậy mức ồn giao thông hiện nay ở thành phố Hà Nội khá lớn, cao hơn trị số tiêu chuẩn cho phép đối với khu vực công cộng và khu dân cư (50-70dB vào ban ngày). Mức ồn giao thông càng lớn, phản ánh mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường càng cao, điều đó có nghĩa là chất lượng cuộc sống ngày càng giảm sút.
       Một công trình nghiên cứu khoa học tại Mỹ cho thấy: Năng suất lao động của các viên chức trong tình trạng yên tĩnh cao hơn khi có tiếng ồn 9% và sai sót trong việc ghi chép tài liệu ít hơn 29%, còn khi làm việc ở các văn phòng có mức ồn 100dB con người sẽ phạm sai sót nhiều gấp 2 lần so với làm việc ở mức ồn 70dB. Ở nhiều nước phương Tây, theo tính toán của các chuyên gia, do tác động của tiếng ồn, đã có tới 1/4 dân số phải dùng thuốc ngủ thường xuyên, mỗi năm ở Áo có gần 7 triệu người sử dụng thuốc ngủ và tiêu thụ hết 40 triệu viên, còn ở Anh năm 1990, bác sĩ phải kê đến 20 triệu đơn thuốc an thần.
       Tiếng ồn còn là nguyên nhân làm giảm thính lực của con người, làm tăng các bệnh thần kinh và cao huyết áp đối với những người lớn tuổi. Tác dụng liên tục của tiếng ồn có thể gây ra bệnh loét dạ dày. Khi có tác động của tiếng ồn có thể dẫn tới giảm khả năng tập trung tư tưởng, giảm độ minh mẫn và giảm khả năng làm việc. Khi tiếng ồn đạt tới 50dB về ban đêm, giấc ngủ bị đứt quãng, giấc ngủ sâu bị tổn thất 60%, khi tiếng ồn ban ngày từ 70-80dB sẽ gây mệt mỏi, 90-110dB bắt đầu gây nguy hiểm và 120-140dB có khả năng gây chấn thương.
Theo những số liệu thống kê của ngành y tế, số lượng người mắc bệnh tâm thần ở Hà Nội, một căn bệnh có liên quan đến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn giao thông đang tăng lên trong những năm gần đây và Hà Nội là một trong những nơi có tỉ lệ người mắc bệnh tâm thần cao nhất nước.
2. Giải quyết vấn đề
       Có 3 bước giảm ô nhiễm tiếng ồn là: Kiểm soát nguồn phát sinh tiếng ồn, kiểm soát trên đường lan truyền hay dùng thiết bị bảo vệ cá nhân.
2.1 Hút âm và cách âm
       - Hút âm: là khả năng hấp thu âm thanh của vật dụng và kết cấu xây dựng. khả năng hấp thu âm thanh phụ thuộc vào đặc tính bề mặt; bản chất vật liệu. Công thức tính lượng hút âm của phòng là:

ΔL = Σ10lg(α.S) (dB)    (1)

S – diện tích bề mặt hút âm (m2).
α – hệ số hút âm của bề mặt.
      - Cách âm: Là khả năng làm giảm dòng âm truyền qua kết cấu xây dựng. Khả năng cách âm của kết cấu xây dựng phụ thuộc vào cấu tạo các lớp và vật liệu của lợp kết cấu.
VD: Tường gạch đinh dày 120mm 51 dB.
170 mm 55 dB.
220 mm 58 dB.
Tấm bê tông cốt thép dày 40 mm 37 dB.
100 mm 45 dB.
2.2 Giảm tiếng ồn tại nguồn
      - Chọn vị trí đặt máy thích hợp: Bố trí các nơi làm việc cần yên tĩnh ở vị trí cách xa nguồn ồn. Đánh giá mức ồn trước khi lắp đặt, bố trí các thiết bị mới…
      - Thay thế các thiết bị hay chi tiết đã hư hỏng, quá hạn sử dụng bằng các thiết bị mới, hoạt động êm hơn.
     - Cân bằng tốt các vật quay để giảm rung động phát sinh tiếng ồn cơ khí. Đặt các máy có rung động gây ồn lên các bệ đàn hồi để chống lan truyền rung động vào kết cấu nhà gây ồn.
      - Nguồn gây tiếng ồn khí động : sự chuyển động của các dòng khí có tốc độ cao gây ra tiếng ồn khí động, đặc biệt là sau các ống phun hay quạt gió tăng áp. Cần cải thiện chế độ chảy của dòng khí nếu có thể.
       - Làm ống giảm âm thanh cho các ống thải khí của động cơ nổ như máy phát điện, xe hơi, xe máy, máy tầu thủy…
       - Bao bọc nguồn ồn bằng vỏ cách âm. Ví dụ làm vỏ cách âm cho máy phát điện, quạt gió hay máy nén khí…gây tiếng ồn. Vỏ cách âm của thiết bị thường có nhiều lớp. Bên ngoài là thép lá dày 2ly có gân tăng cứng; phía trong có lớp vật lịêu xốp có các lỗ rỗng nhỏ thông với nhau thường dùng bông thủy tinh dày 50 mm, tiếp theo là lớp vải lót và lớp tôn lỗ để bảo vệ lớp vật liệu xốp.
      - Làm các hệ thống thiết bị tiêu âm trên các hệ thống thổi gió để giảm tiếng ồn lan truyền trong đường ống. Loại thiết bị này thường là các khoang rỗng có kích thước lớn phía trong có các tấm vật liệu hút âm bố trí song song nhau dọc chiều dòng không khí và ở các bên vách thiết bị.
Khả năng giảm âm của loại kết cấu này :

ΔL = k.L (dB).    (2)

k – Mức giảm âm trên một đơn vị chiều dài buồng tiêu âm. (dB/m).
L – Chiều dài buồng tiêu âm. (m).
2.3 Giảm tiếng ồn trên đường lan truyền
       - Trong nhà xưởng:
+ Bố trí các tấm vật liệu hút âm trên trần, trên tường, treo trong không gian nhà xưởng để hấp thu âm lan truyền trong không khí và phản xạ từ các vật dụng khác.
+ Các cửa đi lại, cửa sổ thông gió nên treo các rèm để hấp thu và ngăn tiếng ồn truyền ra ngoài.
      - Khi lan truyền trong không khí, sóng âm bị mất dần năng lượng nên mức âm thanh cũng giảm bớt. Có thể dùng công thức sau để tỉnh gần đúng mức giảm tiếng ồn:
Với nguồn điểm:

Với nguồn đường: ΔLd = ΔL / 2 (dB)
Trong đó: r1 – Khoảng cách đo tiếng ồn ban đầu (thường = 1m).
r2 – Khoảng cách từ điểm tính toán tới nguồn tiếng ồn (m).
a – Hệ số kể đến khả năng hấp thu tiếng ồn của mặt đất.
a = -0,1 đối với mặt đường nhựa và bê tông.
a = 0 đối với mặt đất trống.
a = 0,1 đối với mặt đất trồng cỏ.
      - Khi bố trí các tuyến đường cao tốc có tiếng ồn cao đi qua các khu dân cư, cần thiết phải có dải phân cách với khu nhà ven đường bằng tường chắn âm. Tường chắn âm có thể là tường xây hay các dải cây xanh có nhiều tầng tán lá sát từ mặt đất tới ngọn để ngăn cản và hấp thu tiếng ồn. Các lọai cây xanh thân gỗ có tán cao trên 2~3m có rất ít tác dụng ngăn cản và hấp thu tiếng ồn.
       - Các khu công nghiệp ở gần khu dân cư cũng phải bố trí các dải cây xanh cách ly này để ngăn tiếng ồn ảnh hưởng tới xung quanh.
   - Có thể tính độ giảm tiếng ồn từ đường giao thông qua dải cây xanh bằng công thức sau: 

                   

Trong đó:

ΔLCX = Mức giảm tiếng ồn qua các dải cây xanh và khoảng trống (dB).
ΔLd – Mức giảm tiếng ồn khi không có dải cây xanh. (dB).
Z = số dãy cây xanh.
Bi = Chiều rộng (tính bằng mét) của các dải cây xanh.
β = Hệ số tiêu âm của tán cây lá rộng. β = 0,12~0,17 dB/m.
2.4 Làm tường chắn âm
        Là các loại tường xây hay công trình chắn giữa nguồn âm thanh và người nghe. Phía sau tường chắn và công trình có các bóng âm làm giảm mức âm thanh nhiều hơn so với khi không có công trình.
        Chiều dài của bóng âm được tính như sau:

L = B2 x f / (4 x C) (m).    (5)

Trong đó:

B- Chiều rộng của màn chắn (m)
f- Tần số của âm thanh. (Hz).
C- Tốc độ truyền âm trong không khí. (m/s).
2.5 Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân
      Các phương tiện bảo vệ tai đặc biệt hữu dụng dối với công nhân trong các nhà máy và thợ xây dựng, khai thác… tiếp xúc với nguồn ồn lớn do nghề nghiệp. Loại thường dùng là nút tai chống ồn và chụp bịt tai chống ồn. Chụp tai cho hiệu qủa cao hơn là nút tai chống ồn. Khi sử dụng, tuỳ theo nền tiếng ồn và tần số tiếng ồn cao hay thấp mà chọn loại nào cho phù hợp. Bất lợi của biện pháp này là gây vướng víu và không thoải mái về tâm lý.
3. Kết luận
      Bài báo đã trình bày một số tác hại của ô nhiễm tiếng ồn tới sức khỏe và các hoạt động của đời sống xã hội, từ đó trình bày các giải pháp cơ bản để kiểm soát tiếng ô nhiễm tiếng ồn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TCVN 5949-1998 Âm học – tiếng ồn khu vực công cộng và dân cư – Mức ồn tối đa cho phép.
[2] Website: Tailieu.vn Tiếng ồn và công cụ quản lý.